ClockThứ Ba, 27/10/2015 16:40

Bỏ ngỏ

TTH - Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn của ngân sách và sức dân, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí duy tu, bảo dưỡng các tuyến GTNT còn nhiều hạn chế.
Do khó khăn về kinh phí bảo trì, nên GTNT nhanh xuống cấp

Tự quản

Chúng tôi có mặt ở xã Hương Lộc (Nam Đông) vào một ngày cuối tuần, chứng kiến niềm vui mừng của người dân nơi đây. Bà Hồ Thị Hới, tâm sự: “Gia đình tôi sống ở đây hơn 20 năm, trước đây, đường đất, nắng thì bụi mù, mưa lầy lội, đi lại rất khó khăn. Nay được Nhà nước đầu tư kinh phí, người dân đóng góp ngày công và hiến đất đã có một con đường khang trang bà con đi lại rất thuận tiện; mủ cao su, gỗ keo, tràm có tư thương đến mua tận nơi, bán được giá….”.

Ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc cho biết: “Hai năm nay, các tuyến GTNT trên địa bàn xã được xây dựng, nông sản của người dân được thương lái thu mua tận nơi, người dân mua sắm xe máy ngày càng nhiều; đời sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc duy tu, bảo dưỡng những công trình này còn rất khó khăn. Địa phương chỉ biết tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ, nâng cao chất lượng đường GTNT”.

Không riêng ở xã Hương Lộc, trên thực tế hàng loạt tuyến đường GTNT do huyện, xã đầu tư xuống cấp nhanh chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Đơn cử, như đường vành đai Tây Quảng Thành (Quảng Điền) được đầu tư hơn 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và mới hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 1 năm nhưng mặt đường bê tông đã xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng. Tại cây cầu trên đoạn đường, hai đầu cầu bị sụt lún, bê tông gãy đổ khiến người dân mỗi lần đi qua cảm thấy “rùng mình”. Hoặc ở một số xã, không ít tuyến đường đang trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông do mặt đường xấu, nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: do xe chở hàng quá tải; mức đầu tư thấp không bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật hạ tầng; thiếu giám sát chặt chẽ khi thi công, thiếu nguồn vốn bảo trì...

Mạng lưới hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài 3.977 km, trên 2.281 tuyến; 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì việc bảo vệ, sửa chữa và duy tu các tuyến đường chưa được đầu tư đúng mức. Theo đề xuất của các địa phương, hiện có khoảng 1.540 km trên 1.395 tuyến cần được nâng cấp, kiên cố hóa.

Cần bố trí duy tu, bảo dưỡng

Theo kinh nghiệm, một cán bộ Sở Giao thông Vận tải kinh phí cần cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng GTNT là rất lớn; trong khi đó, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Thực tế hiện nay, nguồn kinh phí dành cho bảo trì GTNT còn ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu về bảo trì đường giao thông, thể hiện rõ sự mất cân đối giữa đầu tư phát triển và duy tu bảo dưỡng. Nhiều địa phương vẫn ưu tiên kinh phí cho việc mở đường mới hoặc nâng cấp các đường cũ đã xuống cấp, nên kinh phí dành cho bảo trì càng trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng mạng lưới GTNT xuống cấp nhanh chóng, làm giảm hiệu quả đầu tư...

Bên cạnh đó, địa hình tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị chia cắt, địa chất, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tục hằng năm làm tăng kinh phí duy tu bảo trì các công trình GTNT. Ở vùng cao dân cư phân bố rải rác, sống phân tán, điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng đóng góp, nên việc huy động nguồn lực để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến GTNT còn rất hạn chế.

Ông Cao Bé, Phó Ban Đầu tư xây dựng huyện Nam Đông cho biết: “Các tuyến GTNT trên địa bàn huyện Nam Đông được đầu tư xây dựng theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, theo đó, người dân hiến đất và ủng hộ ngày công; Nhà nước đầu tư kinh phí. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong địa phương gặp khó khăn trong bảo dưỡng. Bên cạnh đó, GTNT thiết kế chịu tải không quá 13 tấn, nhưng hiện nay các xe chở gỗ tràm có tải trọng từ 15-20 tấn. Nhiều tuyến đường mới làm xong chưa được bao lâu lại xuống cấp”.

Để khai thác hiệu quả các công trình GTNT các địa phương cần bố trí kinh phí bảo trì theo quy định, nắm bắt tình hình hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục, sửa chữa… nhằm tăng cường sự bền vững của công trình, góp phần khai thác tối đa lợi ích kinh tế xã hội mà công trình mang lại.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top