Thể thao

Cái “ngặt” của thể thao

ClockChủ Nhật, 09/08/2020 20:56

Điều chỉnh, hoãn một số giải thể thao Huế tham dự và tổ chứcCác giải thể thao “hồi hộp” trước COVID - 19

Một buổi tập sau đợt giãn cách đầu tiên của các cầu thủ Huế

1 - Trở lại sau lần giãn cách xã hội trước đó, 40 VĐV bộ môn bơi – lặn do Trung tâm Thể thao tỉnh quản lý, huấn luyện vẫn chưa thể khôi phục 100% phong độ, dù các VĐV tập luyện với khối lượng gần như gấp đôi, nhằm bù đắp thời gian thực hiện giãn cách.

“Với VĐV chuyên nghiệp, kể cả khi thường xuyên tập luyện, việc duy trì phong độ đã không dễ vì liên quan đến nhiều yếu tố, đằng này, các em phải nghỉ tập luyện một thời gian dài nên khi trở lại, mọi thứ gần như phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, khi câu chuyện phong độ chưa được giải quyết ổn thỏa, các VĐV tiếp tục đối diện với khả năng tái giãn cách do COVID-19 bùng phát trở lại”, Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh Trần Thanh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, bên cạnh tuân thủ quy trình ngăn ngừa lây nhiễm COVID – 19, hiện các VĐV bơi, lặn vẫn đang tập luyện bình thường. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho trường hợp giãn cách một lần nữa có thể xảy ra, Trung tâm Thể thao tỉnh đã chuẩn bị phương án để các VĐV có thể duy trì tập luyện, lấy lại phong độ nhằm chuẩn bị cho 4 giải đấu từ đây đến cuối năm.

“Nếu sắp tới phải thực hiện giãn cách xã hội, bộ môn bơi, lặn xin UBND tỉnh được “cấm trại” tại trung tâm. Khi “cấm trại”, bên cạnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các VĐV phải thực hiện nghiêm các quy định về ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 trong sự giám sát của HLV 24/24h. Đây là cách mà các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 1, 2, 3, 4 đã và đang áp dụng. Nếu không được tỉnh đồng ý thì trung tâm sẽ tuân thủ theo quyết định của tỉnh”, ông Tuấn cho biết.

2 - Cũng ở đợt giãn cách trước, tuy phong độ VĐV đi xuống nhưng bơi, lặn không mất quân nên lực lượng không chịu nhiều biến động. Tuy nhiên, không phải bộ môn nào cũng “may mắn” như vậy.

Với 9 bộ môn cùng 220 VĐV, Trường trung cấp TDTT tỉnh là nơi quản lý, huấn luyện và đào tạo nhiều VĐV chuyên nghiệp nhất của tỉnh. Sau đợt giãn cách trước đó, nhiều bộ môn lâm vào cảnh “dỡ khóc” khi bên cạnh không ít VĐV sa sút phong độ thì có một số VĐV không quay trở lại tập luyện.

Với quân số ít, phương án "cấm trại" của bộ môn bơi, lặn nếu tái giãn cách là khả thi

“Các VĐV không quay trở lại tập luyện sau thời gian nghỉ do giãn cách đa phần là VĐV trẻ. Qua tìm hiểu, ngoài những tác động từ phía phụ huynh, nguyên nhân còn vì các em chưa thật sự quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Việc thiếu vắng một số VĐV trẻ sẽ ảnh hưởng đến bài toán kế thừa, nhưng do đây là VĐV trẻ nên không tác động gì đến lực lượng đỉnh cao của các bộ môn”, ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh khẳng định.

Theo ông Quang, trong thời điểm giãn cách trước đó, dù có nhiều VĐV tự giác tập luyện ở nhà và qua internet, nhưng thực tế hiệu quả không bằng như lúc tập luyện ở trường dưới sự hướng dẫn trực tiếp của HLV. Ngoài ra, VĐV một khi thiếu sự kèm cặp, uốn nắn của thầy cô, bên cạnh chuyện lơ là tập luyện, việc không cẩn trọng trong sinh hoạt dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất dễ xảy ra.

“Bất cập là vậy, nhưng nếu sắp tới có quyết định giãn cách thì trường cũng không có cách nào hơn. Thậm chí, nếu tỉnh đồng ý cho “cấm trại” thì với hơn 200 VĐV, để giải quyết chuyện ăn ở, sinh hoạt, tập luyện trong một khuôn viên nhất định là điều chúng tôi chưa thể chủ động được”, ông Quang chia sẻ.

3 – Tuy không hao hụt quân số sau lần giãn cách trước đó, một phần do cầu thủ các tuyến đều có ràng buộc bởi một số điều khoản nhất định khi ký hợp đồng, nhưng với hơn 150 VĐV (U11, U13, U15, U17, U19 và đội 1), Đoàn Bóng đá Huế cũng đang lo lắng khi COVID – 19 bùng phát trở lại.

Theo Phó Trưởng đoàn Bóng đá Huế Trần Quang Sang, một khi tỉnh ban hành lệnh giãn cách, cũng như lần trước, thành viên tất cả các tuyến đều phải về nhà, dù biết cũng như VĐV những bộ môn khác, các cầu thủ không thể nào duy trì phong độ khi tập chay, không có sự hướng dẫn trực tiếp của HLV.

“Thành tích thất vọng của đa phần các tuyến U sau loạt trận vòng bảng các giải quốc gia mới đây một phần cũng do giãn cách đợt trước khiến các VĐV không thể duy trì phong độ. Và nếu sắp tới tiếp tục thực hiện giãn cách thì Đoàn Bóng đá Huế cũng không còn cách nào hơn, bởi do quân số quá đông nên dù tỉnh đồng ý cho “cấm trại” thì khả năng của Đoàn Bóng đá Huế cũng không quán xuyến được chuyện ăn uống, sinh hoạt, tập luyện của tất cả các tuyến trong thời điểm phải dè chừng COVID - 19”, ông Sang nói.

***

Hiện, hơn 400 VĐV chuyên nghiệp của Trung tâm Thể thao tỉnh, Đoàn Bóng đá Huế và Trường trung cấp TDTT tỉnh vẫn đang tập luyện, trên tinh thần tuân thủ các quy định về ngăn ngừa lây nhiễm COVID – 19. Và một khi tái thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta cũng nên chia sẻ nếu thành tích của VĐV thời gian tới không như kỳ vọng.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Return to top