ClockThứ Tư, 06/09/2017 12:51
Thủy điện ngăn suối làm nước dâng ngập cây trồng của người dân:

Cần đến hiện trường để kiểm tra

TTH - Ông Hồ Văn Nghiêm, trú tại thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới phản ánh: Công ty thủy điện Trương Phú ngăn suối làm nước dâng, ngập khoảng 5 ha diện tích trồng mây và các loại cây khác của ông, thiệt hại khoảng 1.650 cây. Mặc dù ông đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn đến chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nghiêm bên diện tích cây cối bị chết do ngập (như ông phản ánh)

Theo ông Nghiêm: Trước năm 2007, gia đình ông canh tác trên đất cộng đồng của thôn, trồng các loại cây lâu năm như lim xanh, bầu dó, mây, tràm, mít, lúa... Diện tích canh tác ban đầu là 3,5 ha, sau đó mở rộng thêm, tổng cộng khoảng 6ha. Khi có dự án 147 (dự án trồng mây), cán bộ dự án cùng cán bộ kiểm lâm đến khảo sát thực tế, xác định diện tích canh tác để hỗ trợ mây giống. Do trước đó, ông đã trồng mấy nghìn cây mây, nên dự án chỉ hỗ trợ 300 mây giống để trồng dặm thêm ở những diện tích trống.

Năm 2015, Công ty thủy điện Trương Phú giải phóng mặt bằng, thi công, ngăn suối làm nước dâng ngập hầu hết diện tích 6 ha khiến cây mây và những loại cây trồng khác bị thiệt hại. “Những loại cây này khoảng 10 năm là thu hoạch. Gia đình tôi trồng, chăm sóc đã 8 năm. Giá giống mây và cây bản địa (mít, gió bầu, lim xanh...) đắt gấp 15 đến 30 lần giống cây keo, tràm. Bao nhiêu công sức, tiền bạc bỏ ra, bây giờ hầu như mất trắng, nhưng lại không được chủ đầu tư công trình thủy điện bồi thường thiệt hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình tôi. Vấn đề này, tôi đã nhiều lần gửi tờ trình đến Công ty thủy điện Trương Phú, UBND xã Hồng Trung, Trung tâm quỹ đất huyện A Lưới, đồng thời nêu ra tại những lần tiêp xúc cử tri HĐND các cấp, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”- ông Nghiêm trình bày.

Ông Lê Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho biết về vấn đề ông Nghiêm phản ánh, sẽ kiểm tra lại, nếu người dân trồng cây sau mốc (tức sau khi mặt bằng đã giải phóng để thi công, xã đã thông báo cho dân) thì người dân sẽ không được bồi thường về cây bị thiệt hại... Thế nhưng, ông Nghiêm lại cho rằng, dù ông trồng sau mốc thì cũng vẫn phải được bồi thường, bởi vì diện tích canh tác của hộ ông không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công.

Theo ông Phan Duy Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới: Trước đây, trung tâm nhận một số đơn kiến nghị của người dân về vấn đề tương tự (và đã giải quyết), nhưng không có trường hợp ông Nghiêm. Thông tin trung tâm nắm được từ chủ đầu tư là ông Nghiêm có phản ánh bằng miệng nhưng chủ đầu tư cho rằng, cây cối trên diện tích đất nói trên là rừng phòng hộ tự nhiên, nên không bồi thường.

Phản ánh của ông Nghiêm thông qua Báo Thừa Thiên Huế sẽ được Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, có văn bản gửi chủ đầu tư kiểm tra. Nếu hộ ông Nghiêm bị ảnh hưởng, cây cối do ông Nghiêm trồng bị thiệt hại do công trình thi công gây ra, thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới sẽ về kiểm kê số lượng các loại cây bị thiệt hại, áp giá theo quy định để chủ đầu tư bồi thường.

Theo chúng tôi, việc ông Nghiêm khiếu nại là thực tế. Theo những gì phản ánh trong đơn thì thiệt hại của người dân là không nhỏ. Đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất A Lưới phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, để giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh    

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Return to top