ClockThứ Hai, 17/11/2014 19:02

Cần điều chỉnh nguồn vốn đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý

TTH - Chiều 17/11, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) tỉnh phối hợp với Ủy ban Quốc gia về hợp tác KTQT tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế và những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay”. Đến dự có các ông Phan Ngọc Thọ, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban hội nhập KTQT tỉnh; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; TS Trịnh Minh Anh, Phó Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác KTQT cùng với 100 cán bộ quản lý và DN trên địa bàn tỉnh.

Tái cơ cấu nền kinh tế là một trong 3 nhóm nhiệm vụ - mục tiêu quan trọng được ưu tiên trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và cũng là nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm thực hiện thành công mục tiêu trở thành một trong nhóm các tỉnh phát triển nhất của cả nước đến năm 2020, đồng thời khẳng định vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, Thừa Thiên Huế (TTH) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó TCC đầu tư công vẫn chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, cổ phần hóa DN Nhà nước chưa đạt và TCC ngân hàng thương mại khó đạt đích.

Trên 100 DN và các sở ban ngành tham gia hội thảo. Ảnh: Võ Nhân
Tiềm năng chưa được đánh thức
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTH nói riêng đang gặp những khó khăn kéo dài, chưa thoát vùng đáy và cơ hội phục hồi mong manh. Vì vậy, kết quả TCC có bước tiến nhưng chậm, chưa có những thay đổi cấu trúc mang tính chiến lược bởi nền công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên, nền sản xuất chủ yếu là gia công và kỹ thuật lắp ráp còn mang tính thô sơ, chưa hiện đại như những tập đoàn thế giới. Mặt khác, ngành dịch vụ kém phát triển, chất lượng thấp; ngành du lịch vẫn định hướng tăng “sản lượng” khách, song đa số khách (85-90%) “một đi không trở lại”.
Vì vậy, những vấn đề đặt ra đối với TTH trong TCC nền kinh tế hiện nay dưới góc nhìn của PGS.TS Trần Đình Thiên cần có chiến lược dài hơi trong công tác đầu tư và xúc tiến kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó nguồn lực phải phân bổ hợp lý và có cách điều chỉnh để nguồn vốn đầu tư thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Huế có khá nhiều tiềm năng nhưng chưa được đánh thức, trong đó Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô là một điển hình. Để phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng hay một số tỉnh, TP trong cả nước, TTH cần thay đổi cách nghĩ, cách làm chứ không chỉ tăng cường thu hút đầu tư, quyết tâm cao, cải cách mạnh... Cố đô Huế là một nguồn lực, song lâu nay vẫn chưa khai thác hết; khu vực Chân Mây-Lăng Cô vẫn chưa khai thác phần gốc, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là tiềm năng còn bỏ ngỏ... Nên xây dựng một TP hiện đại, TP đô thị hội tụ các dịch vụ, tiện nghi cao cấp tạo sự sôi động ở khu vực Chân Mây-Lăng Cô bên cạnh TP Huế trầm lắng như hiện tại để thu hút khách, trong đó cần kết nối với các tỉnh, TP khu vực miền Trung để tạo sự liên kết vùng.      
Nên tập trung đầu tư lĩnh vực có lợi thế
PGS.TS Trần Đình Thiên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (bên trái) trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Võ Nhân
Đối với vấn đề hội nhập KTQT, hội thảo đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn cũng như bàn giải pháp để TTH tiếp tục triển khai thời gian tới. Theo TS Trịnh Minh Anh, TTH đang có những lợi thế nhất định. Bên cạnh là địa phương có nhiều di tích lịch sử, đây là vùng đất giàu tiềm năng, rất cần đầu tư để phát triển mạnh. Để khai thác nguồn tài nguyên sẵn có, TTH nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đang có lợi thế, trong đó chú trọng đến hạ tầng du lịch, cảng biển, đặc biệt là hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghiệp công nghệ cao. Đối với ngành công nghiệp, TTH đang phát triển mạnh lĩnh vực dệt may, song chủ yếu là gia công, chưa tập trung sản xuất sản phẩm khâu cuối nên thị trường bó hẹp, lương công nhân thấp; công nghiệp phụ trợ thiếu trầm trọng gây khó khăn cho DN. Vì vậy, để thực hiện TCC nền kinh tế cũng như hội nhập KTQT sâu, rộng, TTH cần vạch định những kế hoạch cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành nghề, từng dự án đầu tư; trong đó ưu tiên đối với các ngành có tiềm năng về xuất khẩu, sản xuất sạch và chú trọng đến việc phối kết hợp với các tỉnh, TP khu vực miền Trung để phát triển du lịch, khẳng định thương hiệu du lịch Huế đến với du khách trong và ngoài nước.
Để phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng hay một số tỉnh, TP trong cả nước, Thừa Thiên Huế cần thay đổi cách nghĩ, cách làm chứ không chỉ tăng cường thu hút đầu tư, quyết tâm cao, cải cách mạnh...
PGS.TS Trần Đình Thiên
Ông Phan Ngọc Thọ, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tiến trình hội nhập KTQT đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, trong đó đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế đã được đặt ra và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, với trọng tâm TCC đầu tư công, TCC DN nhà nước, TCC các tổ chức tín dụng. Đối với các DN trên địa bàn tỉnh, tuy tiến độ thực hiện TCC kinh tế chậm hơn so với yêu cầu, nhưng quá trình TCC đã có kết quả tích cực bước đầu với sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, trong đó tái cấu trúc tổ chức tín dụng có chuyển biến tốt, an toàn hệ thống được bảo đảm.
Để TTH phát triển nhanh, đứng trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của Việt Nam, việc TCC kinh tế cần hướng tới trong thời gian tới là hình thành cơ cấu kinh tế ngày càng hiện đại trên cơ sở phát triển mạnh các lĩnh vực du lịch tổng hợp gắn với vui chơi giải trí- nghỉ dưỡng, vận tải biển và kinh tế hàng hải gắn với phát triển công nghiệp phục vụ cảng, trong đó trọng tâm vẫn là phát triển khu kinh tế Chân Mây -Lăng Cô mang tầm quốc tế.
Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top