ClockThứ Năm, 15/12/2016 05:41

Cần quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Bồ

TTH - Nuôi cá lồng trên sông Bồ đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi một cách tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Mô hình nuôi cá lồng tạo nguồn thu ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Trên chiếc phao tự chế, lão nông Lê Quang Thạnh, thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú đưa chúng tôi ra thăm lồng nuôi cá của gia đình. Hơn 5 năm trong nghề, nên việc di chuyển và cho cá ăn của ông rất thuần thục.

Năm nay, gia đình ông thả nuôi 2 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ. Nhờ nuôi cá lồng nên gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định ngoài nguồn thu chính từ sản xuất nông nghiệp.Theo ông Thạnh, nguồn thức ăn chủ yếu cho cá đều từ các phế phụ phẩm nông nghiệp nên không tốn chi phí mua thức ăn. Vốn đầu tư nuôi cá lồng cũng không cao, nếu đầu tư lồng nhôm từ 15 đến 20 triệu đồng có thể nuôi liên tục từ 10 đến 15 năm, lồng lưới tre thông thường thì chi phí thấp hơn nhưng thời gian sử dụng ngắn hơn. Nuôi cá lồng cũng không tiêu tốn quá nhiều thời gian, chủ yếu tận dụng thời gian nông nhàn. Một lồng cá sau một năm thả nuôi thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND quy định về nuôi cá lồng bè. Theo đó, cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản, nằm trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng, bè phải có quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành; đăng ký tại UBND xã/phường/thị trấn và được cơ quan chuyên môn cấp huyện/thị xã/thành phố kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với cơ sở nuôi cá lồng, bè; được UBND xã/phường/thị trấn chấp thuận cho nuôi trên cơ sở kết luận của biên bản kiểm tra đủ điều kiện; tuân thủ các quy định hiện hành và cam kết bảo vệ môi trường.

Cũng như gia đình ông Thạnh, nhiều hộ dân ở Quảng Phú cũng theo nghề nuôi cá lồng. Ngoài cá trắm, nhiều hộ nuôi thêm: cá hồng, cá mè…, toàn xã đến nay có 215 lồng nuôi.

Ông Lê Quang Dựng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú cho hay: Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, địa phương cũng đang lo ngại sự gia tăng nhanh lồng nuôi một cách tự phát sẽ để lại những vấn đề về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định sẽ bị tư thương ép giá...

Do nuôi tự phát nên các hộ chưa tính toán được về khoảng cách giữa các lồng, cụm đặt lồng. Theo quan sát của chúng tôi, các lồng này nằm san sát nhau, có đoạn lồng nuôi dày đặc trải dài đến gần nửa cây số.

Vừa qua, Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế có văn bản gửi huyện Quảng Điền và các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề điều chỉnh vị trí các lồng nuôi cá trên sông Bồ nhằm đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho Nhà máy nước Tứ Hạ. Khoảng cách từ các điểm nuôi cá tập trung (tại thời điểm khảo sát) chưa đáp ứng về khoảng cách vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước. UBND huyện Quảng Điền cũng có văn bản gửi xã Quảng Phú yêu cầu địa phương vận động các hộ nuôi nằm gần khu vực lấy nước tiến hành di dời lồng nuôi.

Huyện Quảng Điền đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quy định về nuôi cá lồng bè trên địa bàn. Phòng NN&PTNT huyện cũng đang phối hợp với các xã có phát triển mô hình nuôi cá lồng tiến hành sắp xếp lại các lồng nuôi, đảm bảo các tiêu chí về khoảng cách, vệ sinh môi trường…

HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top