Thể thao trong nước
VÕ CỔ TRUYỀN & VOVINAM:

Cần tiếp sức để phát triển

ClockChủ Nhật, 23/12/2018 07:41
TTH - Sau Bình Định, Huế cũng được xem là cái nôi của võ cổ truyền, cũng như có thế mạnh nhất định về Vovinam. Tuy nhiên, 2 bộ môn này lại trắng tay tại Đại hội thể thao (ĐHTT) toàn quốc 2018 khiến nhiều người lo lắng.

Thể thao Thừa Thiên Huế hoàn thành chỉ tiêu tại ĐHTT toàn quốcVovinam & đất võTP. Hồ Chí Minh giành giải Nhất toàn đoàn Giải Vovinam học sinh toàn quốc

Võ cổ truyền Huế có nhiều đóng góp trong các kỳ Festival Huế, các lễ hội lớn của tỉnh. Ảnh: Hàn Đăng

Nhiều nguyên nhân

Theo ông Lê Ngọc Tư – Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa & Thể thao), phải xác định, 2 môn nói trên đặc thù không giống những môn được đầu tư trọng điểm (vật, Karatedo, điền kinh…). Võ cổ truyền và Vovinam được tỉnh phát triển theo hướng xã hội hóa cùng mục đích lan tỏa phong trào chứ không nhắm tới đỉnh cao. Nguyên do, 2 bộ môn này dù có tên trong ĐHTT toàn quốc nhưng ở các giải khu vực, châu lục thì chưa thường xuyên nằm trong hệ thống thi đấu.

“Nếu Việt Nam đăng cai SEA Games, ASIAD thì may ra mới có thể đưa 2 môn võ nói trên vào hệ thống thi đấu nhưng đâu phải khi nào Việt Nam cũng được đăng cai. Vậy nên, so sánh võ cổ truyền, Vovinam với điền kinh, vật… để lo lắng là chưa đúng”.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Tư cũng cho rằng 2 môn võ này chưa như kỳ vọng. Điều này có nhiều nguyên nhân. “Vovinam ở Huế xuất hiện khoảng 10 năm, nhưng mới phát triển cách đây chừng 3 năm. Ngoài yếu tố kinh phí, thời gian đó chưa đủ để những người làm bộ môn này hoàn thiện các quy trình, từ tuyển chọn VĐV, đầu tư, tập luyện bài bản… để đủ sức tranh tài với những tỉnh, thành có tiềm lực và truyền thống”, ông Tư nói.

Vovinam Huế phát triển chưa như mong muốn. Ảnh: Lê Hữu Phúc

Trong khi đó, võ cổ truyền ở Huế được thành lập khá lâu, tham gia khá nhiều giải cũng như không ít lần giành được huy chương. Nhưng thực tế, võ cổ truyền Huế mạnh về quyền tự chọn, còn quyền bắt buộc lại yếu.

Tại ĐH, ngoài quyền tự chọn, các VĐV phải thi đấu quyền bắt buộc và đối kháng. “Về quyền tự chọn, võ cổ truyền Huế được đánh giá rất cao, tuy nhiên, ngoài việc chưa có điều kiện để phát triển nội dung đối kháng, việc tiếp cận luật, thể thức để tập luyện, tranh tài ở nội dung quyền bắt buộc nhiều VĐV còn chậm so với nhiều nơi”, ông Tư nói.

Cần tiếp sức

Võ cổ truyền bao gồm những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, binh khí , bài quyền cùng lời giới thiệu bằng thơ, phú… Trong khi đó, Vovinam là môn phái phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật khác trên nguyên lý “cương nhu phối hợp” để từ đó tạo hướng đi cho riêng mình.

Nhưng dẫu có khác nhau thì những người làm võ cổ truyền và Vovinam ở Huế đều cùng chung mục đích, là bảo tồn, phát huy những gì tinh túy của dân tộc, của Huế, đồng thời hướng đến nâng cao thể lực, sức khỏe, rèn luyện ý chí, đạo đức cho người tập.

Tuy vậy, có một thực tế, sự lan tỏa phong trào của 2 bộ môn này chưa như mong muốn. Điển hình là tại ĐH TDTT tỉnh 2014, ngành thể thao có ý định đưa võ cổ truyền vào nội dung thi đấu của ĐH, tuy nhiên, các môn phái võ cổ truyền đa phần chỉ phát triển ở TP. Huế nên ý định đó cho đến ĐH TDTT tỉnh 2018 vẫn chưa thực hiện được.

Về phía Vovinam, dù “môn chủ” Lê Bá Thương cùng các môn sinh của mình từ năm 2008 đã tham gia các Hội diễn võ thuật cổ truyền dịp Tết Nguyên đán, các kỳ Festival Huế, lễ hội lớn của tỉnh nhưng theo chia sẻ, dù đã tích cực mở các lớp phong trào, cũng như thông qua nguồn ở các trường tiểu học, THCS (Lê Bá Thương đang là giáo viên thể dục tại Trường THCS Nguyễn Sinh Cung) để tìm kiếm, đào tạo các VĐV trẻ có triển vọng làm lực lượng nòng cốt ở các giải đấu tầm quốc gia trong tương lai song do kinh phí hạn chế khiến “tham vọng” của Lê Bá Thương vẫn chưa như ước nguyện.

Không như các môn trong “quy hoạch”, võ cổ truyền và Vovinam được phát triển theo hình thức xã hội hóa, nghĩa là những người làm công việc này gần như phải lo từ “A-Z”, trong khi kinh phí lại hạn chế. Vậy nên, việc cố gắng duy trì đã là một nỗ lực lớn.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa họ/chúng ta “phải” bằng lòng khi trắng tay tại ĐHTT toàn quốc 2018, cũng như ở những kỳ ĐH, những giải đấu lớn sắp tới, bởi ngoài yếu tố kích thích phấn đấu, làm rạng danh bản thân, môn phái cũng như thể thao Huế, thì thành tích tại các sân chơi đẳng cấp chính là nền tảng quan trọng để phong trào ngày càng lan tỏa, rộng khắp.

Nhưng để làm được, ngành thể thao cũng không thể “dồn” hết cho võ cổ truyền, cho Vovinam, dù như đã nói, đây là 2 môn xã hội hóa, bởi những hỗ trợ di chuyển, ăn ở khi thi đấu xem ra vẫn chưa đủ.

HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa Vovinam

Vovinam là môn võ sáng tạo bởi người Việt Nam, mang đậm nét Việt và tinh thần đặc trưng của người Việt. Tuy còn khá non trẻ, nhưng sắc màu xanh dương Vovinam đang được đón nhận và lan tỏa rộng khắp ở Thừa Thiên Huế.

Lan tỏa Vovinam
Bất ngờ từ Vovinam

Ngay sau khi thành lập vào đầu năm 2023, đội tuyển Vovinam Thừa Thiên Huế đã tạo nên bất ngờ và là một luồng gió mới của Vovinam Việt Nam tại Giải vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 29.

Bất ngờ từ Vovinam
Ngày xuân xem võ cổ truyền

Chiều 23/1 (Mùng 2 Tết), tại công viên Thương Bạc, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình biểu diễn võ thuật cổ truyền. Hơn 20 màn biểu diễn mang đến không khí rộn ràng tươi vui cho công chúng, du khách trong những ngày đầu xuân.

Ngày xuân xem võ cổ truyền
Vovinam giấc mơ vàng

Mới đây, trong công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Vovinam - Việt Võ Đạo Thừa Thiên Huế đề nghị được quan tâm và hỗ trợ kinh phí để đạt được chỉ tiêu phấn đấu 1 HCV và 1 HCĐ tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Vovinam giấc mơ vàng
Return to top