ClockThứ Hai, 26/07/2010 17:52

Cây Sấu - một loài cây bóng mát cho quả đa tác dụng

TTH - Sấu là một loài cây gỗ lớn, có thể cao đến 30 m, với thân hình trụ tròn hơi có múi, gốc thân có bạnh phân nhánh tỏa đều.

Lá kép lông chim 1 lần mang 11 - 17 lá chét mọc cách, dạng thuôn bầu dục, đầu nhọn thuôn có mũi, gốc tù lệch, dài 6 - 10 cm, rộng 2,5 - 4 cm, mỏng, dai, nhẵn bóng, lúc non xanh lục nhạt, về già xanh sẫm. Cụm hoa hình chùm ở ngọn hay ở nách lá gần đầu cành; hoa nhỏ, màu trắng xanh, có lông mềm. Quả hạch hình cầu hơi dẹt, đường kính khoảng 2 cm, lúc chín màu vàng sẫm, mang 1 hạt. Ra hoa vào dịp xuân - hè và cho quả vụ hè - thu.

Sấu còn có tên là Sấu trắng, Long cóc, Nhân diện; tên khoa học là Dracontomelon duperreanum , thuộc họ Đào lộn hột - Anacardiaceae. Quả Sấu chứa nhiều dưỡng chất thường được dùng làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh.

Để làm thực phẩm, có thể dùng quả Sấu tươi hay qua chế biến. Quả Sấu tươi thường được dùng nấu canh chua, nấu chè. Đây là cách ăn khá phổ biến của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là ở Thành phố Hà Nội. Mùa hè nóng bức, ăn bát canh Sấu chua cảm thấy sảng khoái, giải được nhiệt, tiêu hóa dễ. Một ly chè Sấu đá vừa ngọt thanh tao, vừa chua chua gây một cảm giác thú vị. Quả Sấu cũng được dùng luộc rau để giữ được màu rau luộc đồng thời tăng hương vị nước luộc rau, lúc ăn cũng kích thích tiêu hóa. Sấu chế biến có thể là Sấu muối, mứt Sấu... Đây cũng là những món ăn phổ biến ở Hà Nội mà các tỉnh thành miền Trung và miền Nam ít có.
 
 
Ngoài việc dùng làm thực phẩm, y học dân tộc truyền thống cũng dùng quả Sấu làm vị thuốc trị nhiều bệnh khác nhau. Quả Sấu chín làm mứt  ngậm chữa được bệnh viêm họng, ngứa cổ, làm long đờm, thanh giọng; chưng cách thủy với đường phèn dùng làm thuốc giải khát, ngậm trị viêm họng; ngâm với đường, gừng thêm chút ớt, muối cũng tạo thành món ăn kích thích tiêu hóa, tiêu thực. Ngoài ra, quả Sấu cũng được dùng trị chứng lở miệng do nhiệt, giải say rượu, chữa phong độc nổi mận, mụn cóc, sưng lở, ngứa ngáy... Ở Vân Nam, Trung Quốc, người ta dùng quả Sấu (gọi là Nhân diện tử) giã nhỏ trị lở ngứa, nê thực; dùng rễ trị sưng vú.
 
Lá Sấu dùng nấu nước chữa mụn loét. Vỏ cây dùng trị bỏng.
 
 
Sấu phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á. Ở Trung quốc, Sấu thường được gặp ở những cánh rừng vùng thấp, ở cao độ 100 - 400 m thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
 
Ở Việt Nam, Sấu mọc tự nhiên ở rừng bán rụng lá, trên đất đỏ sâu hoặc sâu trung bình, phân bố ở độ cao 100 - 600 m, từ Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên tới vùng đồng bằng ven biển và cao nguyên Trung bộ. Đôi khi cũng gặp ở đảo biển gần bờ (Cồn Cỏ).
 
Là một loại cây gỗ lớn có tuổi thọ cao, tỏa bóng tốt, tán lá dày, lá bóng láng, hoa đẹp và cho quả đa tác dụng, nên Sấu cũng thường được trồng nhiều nơi để gây bóng mát và thu quả. Những nơi có nền đất cát pha rất thích hợp để trồng Sấu. Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều đường phố có trồng cây Sấu hơn hẳn các thành phố khác của Việt Nam. Đường Phan Đình Phùng là một trong những con đường ở Hà Nội có hai dãy Sấu cổ thụ đẹp nhất.
 

 
Ở Huế, Sấu được trồng rải rác nhiều nơi như ở các trường học (Đại học Nông Lâm), Các khu di tích (Đại Nội, các lăng tẩm...), nhưng cũng không trồng thành quần thể hay thành hàng thẳng tấp như ở đường phố Hà Nội. Ngay trên các đường phố ở Huế, cũng khó tìm gặp một trục đường có Sấu đẹp như ở Hà Nội.
  
Trước đây, đường Bến Nghé là nơi một thời có hai hàng Sấu xanh đẹp, nhưng qua thời giạn năm tháng, một số cây đã gãy đổ do gió bão, số còn lại cong vênh, lệch tán, cụt đọt... do cắt tỉa chưa hợp lý, chỉ nghĩ đến việc tránh bão hoặc tránh công trình điện mà quên đi quy luật sinh trưởng phát triển của chúng. Ở đường Điện Biên Phủ, ngay đoạn đường rây xe lửa chạy qua, có một cây Sấu cổ thụ còn giữ được hình thái tương đối cân đối. Hàng năm cứ vào độ cuối xuân, hoa nở rộ trắng xóa cả tán cây, trông thật hấp dẫn.
 
Như vậy, Sấu là một loài cây bản địa tiềm năng, khá phù hợp với việc tôn tạo cảnh quan, nên quan tâm chọn làm vật liệu trồng ở một số nơi thích hợp. Cây tái sinh bằng hạt tốt nên việc nhân giống không khó. Điều còn lại là nên chọn trồng ở đâu để khi quả rơi rụng không gây ô nhiễm đồng thời cũng không gây trượt ngã cho bộ hành khi dẫm phải.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top