ClockThứ Hai, 01/01/2018 13:27

"Chiến đấu" vì sự sống

TTH - Làm việc trong môi trường thầm lặng nhưng hầu hết giới y khoa ở Huế đều biết đến PGS. TS. Nguyễn Viết Quang, Trưởng khoa Gây mê hồi sức (GMHS) A, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế - người góp phần đưa bệnh nhân qua khỏi lằn ranh thập tử nhất sinh.

PGS.TS Nguyễn Viết Quang

Thầm lặng

Cuối đông, Huế mưa dầm và rét lạnh. Trong căn phòng làm việc hẹp, ông đứng lên ngồi xuống vì những cuộc điện thoại và các đồng nghiệp vào ra "xin lệnh". "Bận rộn quá, khoa này bệnh đông và nặng nên anh em suốt ngày cuống cuồng", ông cười. Cửa phòng bên ngoài lại lách cách… "Thầy Quang ơi...". Không còn cách nào khác, ông nhẹ nhàng: “Cho mình xin vài phút nữa nhé”.

Cuộc trò chuyện hôm ấy, ông kể về những năm tháng theo học tại Trường đại học Y Huế (nay là Trường đại học  Y - Dược Huế) thời bao cấp. Hồi ấy thi đỗ vào y khoa là một giấc mơ của bao học sinh. Quá trình học, ông theo lĩnh vực GMHS, một ngành khó, khổ mà các thầy cô phân tích cho sinh viên hiểu đặc thù ngành “đi trước, về sau”, là ngành đưa các phẫu thuật viên lên “đài danh vọng”, là “bàn tay vàng”… Thế mà khi đi sâu hơn, hiểu hết giá trị cốt lõi nhân văn của bác sĩ GMHS, ông không hề có suy nghĩ chuyển ngành, chuyển khoa…

Ra trường, rồi về làm việc tại Khoa GMHS, BV Trung ương Huế, không lâu sau, ông được bổ nhiệm Phó khoa rồi Trưởng khoa GMHS A và Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế, BV Trung ương Huế. Với trọng trách mới, ông không chỉ làm tốt chuyên môn của bác sĩ giỏi mà thường xuyên đi thực tế cơ sở, có kế hoạch tham vấn với lãnh đạo đưa khoa ngày càng lớn mạnh.

Hỏi thêm về câu "cửa miệng" mà các đồng nghiệp ông "mặc định": bác sĩ GMHS là người làm việc thầm lặng. Ông cười: "Trong mỗi cuộc phẫu thuật lớn hay nhỏ, bác sĩ gây mê phải vào trước ít nhất 40 phút để đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ và các bước tiền mê, khởi mê. Khi bệnh nhân có “giấc ngủ ngon” mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bác sĩ GMHS phải “ôm” bệnh nhân cho đến lúc nào tỉnh. Đây được xem là “phần 2” của quá trình điều trị, cũng là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể nguy hiểm đến tính mạng". Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh phải hết sức thận trọng. Do vậy, PGS. TS. Nguyễn Viết Quang cùng các đồng nghiệp luôn tiên lượng được lượng thuốc gây mê cho bệnh nhân không chỉ bằng công thức mà còn bằng sự nhạy cảm, kinh nghiệm làm nghề để cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn.

PGS. TS. Quang chia sẻ, thành công hay thất bại của ca phẫu thuật đều phụ thuộc rất lớn vào bác sĩ GMHS. Thế nhưng, đằng sau ca phẫu thuật mấy ai biết bác sĩ GMHS làm những việc gì, quan trọng thế nào để bệnh nhân hồi phục. Trong y khoa, mọi chuyện so sánh đều khập khiễng nhưng đã khoác áo blouse trắng phải nhớ lấy y đức làm trọng. Đến bây giờ, có không biết bao bệnh nhân được ông đưa về từ cõi chết. Đó là những điều ông phải “cân não”, chịu áp lực, trách nhiệm trước quyết định của mình. Mới đây thôi, có một trường hợp thanh niên bị dập lục phủ ngũ tạng, đọng máu trong ổ bụng do tai nạn giao thông ở Phú Lộc. Khi nhận tin từ Khoa Cấp cứu, cả ê kip ngay lập tức phối hợp với các bác sĩ khoa ngoại phẫu thuật cấp cứu. Nếu lúc ấy không tiến hành gây mê, truyền máu kịp thời thì bệnh nhân sẽ chết vì sốc mất máu và đau, cũng chẳng thể kịp để khâu lại gan, lách. Sau ca phẫu thuật ấy, đích thân ông và đồng nghiệp gây mê túc trực bên bệnh nhân hơn 10 giờ để theo dõi và hồi sức. Bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần.

PGS. Quang thăm hỏi bệnh nhân

Thành tích đáng tự hào

Tác phong nhanh nhẹn, nói là làm và làm hết mình trong công việc. Đã gần vào tuổi xế chiều nhưng bản thân ông luôn cầu tiến, thích nghiên cứu khoa học. Trong phòng làm việc, ông có tủ sách khá dày và một dòng chữ “mỗi ngày, một trang sách”. Hết giờ làm việc, thăm bệnh nhân, ông lại miệt mài trước máy tính truy cập những thông tin về chuyên ngành để thu nhặt, trau dồi kiến thức áp dụng vào thực tiễn. Năm 1998 - 1999, ông tốt nghiệp bác sĩ Nội trú chuyên ngành GMHS tại Pháp, rồi được phong hàm Tiến sĩ năm 2008; đến Phó Giáo sư Tiến sĩ năm 2014. Ông tham gia các khóa học, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với bạn bè quốc tế ở Hồng Kông, Singapore, Nga, Trung Quốc...

Đến thời điểm này, ông và các cộng sự đã có hơn 150 đề tài nghiên cứu y học cấp cơ sở và 2 đề tài cấp tỉnh và 2 đề tài cấp Nhà nước. Những đề tài khoa học liên tiếp được ông bảo vệ thành công đã vượt ra khỏi phạm vi khoa, tỉnh như: “Nghiên cứu quy trình tuyển chọn và hồi sức người chết não hiến tạng tim phổi” thuộc đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước; “Nghiên cứu ghép khối tim phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái trong giai đoạn chờ ghép”. Hiện, ông đang thực hiện đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị chấn thương sọ não”.

Năm 2013, một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh do ông làm chủ nhiệm gây tiếng vang lớn là: “Nghiên cứu áp lực nội so trong hồi sức cấp cứu và đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ tử vong bệnh nhân chấn thương sọ não nặng ở BV Trung ương Huế”. Năm 2016, PGS. TS. Quang làm chủ nhiệm bảo vệ thành công đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu sự biến đổi độ bão hòa oxy máu tĩnh mạch trung tâm (ScVo2) ở bệnh nhân chấn thượng sọ não 7 ngày đầu”. Những công trình nghiên cứu của ông đã giúp BV Trung ương Huế cứu sống gần 100% bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng. Ông từng hồi sức tích cực và giữ được quả tim sau 5 ngày bệnh nhân chết não để góp phần vào cuộc phẫu thuật ghép tim thành công tại BV Trung ương Huế, một sự kiện gây ngỡ ngàng không chỉ tại Việt Nam mà khắp thế giới vào năm 2011.

PGS. TS. Nguyễn Viết Quang, hiện là Thầy thuốc ưu tú; Giảng viên kiêm nhiệm Trường đại học Y Dược Huế; Trưởng ban Đào tạo GMHS, BV Trung ương Huế; Uỷ viên Ban Chấp hành Hội chống đau Việt Nam… Quá trình cống hiến, PGS. TS. Nguyễn Viết Quang được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhờ có đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước; danh hiệu Trí thức sáng tạo do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và nhiều danh hiệu cao quý khác của bộ, ngành Trung ương, địa phương...

MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Những tấm gương quả cảm của người lính Cụ Hồ

Rạng sáng ngày 20/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huế nổ súng. Những người lính trực tiếp cầm súng trong suốt 50 ngày đêm tiến công, bao vây quân Pháp ở Huế đến nay phần lớn đã qua đời nhưng những tấm gương chiến đấu quả cảm của họ vẫn còn sống mãi! Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023), chúng tôi xin giới thiệu về hai tấm gương trong rất nhiều tấm gương, được chính đồng đội họ kể lại.

Những tấm gương quả cảm của người lính Cụ Hồ
Return to top