ClockChủ Nhật, 29/01/2017 07:45

“Dị nhân”xứ Huế

TTH - Đó là những con người cứ đắm đuối mê say, cả một đời lao vào nghiên cứu, viết lách, kể chuyện Huế. Có người thì làm rất bài bản; có người thì chỉ đơn giản “vì Huế mà tôi làm vậy”....

Hồ Vĩnh bên những Bằng khen, Giấy chứng nhận hiến tặng tư liệu, hiện vật

Cần ít tư liệu sử, tôi tìm về nhà Hồ Vĩnh. Trước, tìm anh thì vô chợ Xép ở mé đông bắc Kinh thành Huế, phường Thuận Lộc. Đó là vùng đất thấp trũng đã “cướp” mất của anh nhiều tài liệu quý mỗi khi trời mưa lụt, đặc biệt là trận lụt lịch sử năm 1999. Nay, vợ chồng người con gái của anh tậu được ngôi nhà ở An Cựu City, anh “di tản” tài liệu, sách vở sang đấy, thoát được nỗi lo lụt lội. Ngày, sang trông nhà cho con, vừa nghiên cứu, viết lách. Đến bữa thì lại lóc cóc về chợ Xép cơm nước với vợ.

Tôi từng có ý định làm một seri bài chân dung mà nhan đề chung tạm đặt trong đầu sẽ là “Những ‘dị nhân’ xứ Huế”, hay đại loại thế. Đó là những con người một đời cứ đắm đuối mê say với Huế, với văn hóa và con người Huế. Cả một đời họ lao vào nghiên cứu, viết lách, kể chuyện Huế. Có người thì làm có phương pháp, có chủ đích, chủ điểm rất bài bản; có người thì chỉ vì thích mà làm, đụng đâu làm đó, không cần mảng, chẳng cần miếng, đơn giản chỉ là “vì Huế mà tôi làm vậy”... Hồ Vĩnh trong tôi cũng là một trong số đó.

Sinh ra trên đất Thành nội, nơi mà hễ “mở mắt là thấy di tích”. Tình yêu Huế bén rễ trong Hồ Vĩnh bao giờ không hay, tự nhiên và rất bền chặt. Những năm tháng đất nước còn chìm trong khó khăn, di sản di tích còn là thứ gì đó viển vông, người ta đã thấy chàng thanh niên gầy cao mảnh khảnh cưỡi chiếc xe đạp cà tàng, cái túi xách đựng cây bút, cuốn sổ và chiếc máy ảnh cũ trên vai rong ruổi hết nơi này đến nơi khác. Có những chuyến đi dài ngày, anh phải đùm theo một ruột tượng gạo, tối dùng nó làm gối, ngày rút dần thổi cơm, nạp năng lượng mà nghiên cứu. Đó là Hồ Vĩnh. Không ai hối thúc, chẳng ai ép buộc, cũng chẳng... làm ra một đồng bạc, anh cứ lầm lũi đi hết nơi này qua nơi khác. Ghi chép, ngẫm nghĩ, đối chứng, chụp ảnh, dập văn bia .... Thời gian ấy, di sản văn hóa triều Nguyễn vẫn là cái gì đó còn “nhạy cảm”, do vậy, những gì thu thập được Hồ Vĩnh chỉ biết đem về cất với tâm niệm “giữ lại được cái chi cho Huế thì quý cái ấy”. Mãi sau này, khi quan niệm đánh giá lịch sử thông thoáng hơn, Hồ Vĩnh mới bắt đầu những bài viết đầu tiên công bố trên một số tờ báo, tạp chí. Các bài viết đã được anh tập hợp, xuất bản thành 2 đầu sách: “Giữ hồn cho Huế” và “Dấu tích văn hóa thời Nguyễn”.

Mấy chục năm cần mẫn tìm tòi, ngẫm ngợi, thu nhặt, Hồ Vĩnh sở hữu một “gia sản” đáng kể với đủ loại sách vở, báo chí, hiện vật... Những lúc không đi điền dã, anh tẩn mẩn ngồi sắp xếp theo từng chủ đề, để đụng đâu là có thể lôi ra dùng ngay. Nhiều người nhận xét: Tư liệu của Hồ Vĩnh “chắc nụi”. Không dùng thì thôi, dùng thì chuẩn. Không chỉ có sử dụng để khảo cứu, viết lách, sinh viên, nghiên cứu sinh, giới nghiên cứu văn hóa-lịch sử trong và ngoài nước không ít người nghe tiếng đã tìm đến nhờ Hồ Vĩnh trợ giúp cho công trình của mình. Hồ Vĩnh xem đó cũng là một niềm vui.

Một niềm vui nữa của Hồ Vĩnh mà không nhiều người đủ dũng cảm để làm, đó là hiến tặng tư liệu, hiện vật. Những tư liệu, hiện vật mà có khi phải tốn rất nhiều tâm sức, phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới có được, nhưng hễ có cơ hội là Hồ Vĩnh sẵn sàng cho đi một cách thanh thản. Trong một cuốn album, Hồ Vĩnh giữ lại nhiều tờ biên nhận của các cá nhân, cơ quan bảo tàng được anh hiến tặng hiện vật, tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (TTH), Bảo tàng Lịch sử TTH, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hội An, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm... “Nếu TP. Hồ Chí Minh ra đặt vấn đề, mình sẽ hiến tặng một số hiện vật liên quan đến vùng đất Sài Gòn-Gia Định mà mình tin rằng họ sẽ khó tìm ra. Như vậy thì mình hiến tặng hiện vật cho đủ 3 miền Bắc-Trung-Nam, rứa là xem như mãn nguyện”- Hồ Vĩnh thủ thỉ. Hỏi, có bao giờ anh cảm thấy... tiếc? Hồ Vĩnh cười hiền: “Mình tặng là để cho hiện vật phát huy, hiện vật lên tiếng. Phải vui chứ, tiếc chi...”

Những “dị nhân” như Hồ Vĩnh chung phần tạo nên nét riêng cho Huế. Nghiệm cho kỹ, họ cũng chính là bản sắc, là di sản, là “tài nguyên” của văn hóa, của du lịch vùng đất cố đô. Tôi nghĩ vậy.

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

Không chỉ góp phần làm rạng danh và đưa thương hiệu thể thao vang xa, đội ngũ những VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia còn là nguồn lực để phát triển lâu dài và bền vững thể thao xứ Huế.

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế
"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Hẹn với xứ mưa

Cơn mưa đêm qua vừa ngớt, phố thở nhẹ thênh trong làn gió dịu mát. Những con đường long não thoảng mùi nhựa cây với đám lá lục già hớn hở. Phố đã chuyển mùa.

Hẹn với xứ mưa
Return to top