ClockChủ Nhật, 02/05/2021 06:45

30 năm & khát vọng vươn lên

TTH - Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), Nam Đông trải qua quá trình thành lập, sáp nhập vào huyện Phú Lộc rồi lại tái lập. Từ một huyện miền núi nghèo, chồng chất những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nam Đông đặt mục tiêu cán đích huyện nông thôn mới (NTM) trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nam Đông sẵn sàng cho sự kiện chính trị quan trọngNam Đông liên kết xây dựng “cộng đồng học tập”

Huyện Nam Đông đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập 

Vượt khó

Hơn 16 năm trước, lần đầu tiên có 2 xã khó khăn của huyện Nam Đông (Hương Phú và Hương Sơn) xin rút khỏi Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thu hút sự chú ý trên toàn quốc, được xem là “hiện tượng”, là hình mẫu của sự chủ động, khát vọng tự lực vươn lên của các huyện miền núi.

Trước khi được đầu tư Chương trình 135 vào năm 2000, Hương Phú còn khó khăn trên tất cả lĩnh vực. Hệ thống giao thông nối các thôn chủ yếu là đường mòn và cấp phối, đến mùa mưa thường bị chia cắt; hệ thống điện lưới còn thiếu nhiều, tỷ lệ hộ sử dụng điện mới đạt 70% và tỷ lệ sử dụng nước giếng dưới 75%... Tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm 32%, người dân thường bị thiếu ăn vào các vụ giáp hạt.

Từ nguồn đầu tư từ Chương trình 135 và các nguồn vốn đầu tư trong 3 năm (2001- 2004) với tổng mức đầu tư  18.132 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước 11.432 triệu đồng, Hương Phú đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, giếng nước… Các chương trình tập huấn, trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, việc chọn cây, con giống được quan tâm định hướng.

Cơ sở hạ tầng của Nam Đông ngày càng hiện đại hóa, nối liền các xã, thị trấn

Những kết quả đầu tư ban đầu đã tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân bắt đầu được quan tâm. Một số cây trồng, vật nuôi được xác định làm chủ lực phát triển kinh tế bền vững như: cao su, keo, kinh tế vườn, nuôi bò bán thâm canh, bò lai sinh sản, các mô hình vườn - ao - chuồng - rừng được nhân rộng và phát triển ổn định, từng bước góp phần tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Bảo Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phú chia sẻ, khi đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên và với tinh thần sẻ chia cùng các địa phương khác, vào cuối năm 2004, cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Hương Phú đã tự nguyện xin rút ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, song xã đã quyết tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa Hương Phú ngày càng phát triển.

Ngày nay, Hương Phú đã cán đích NTM, đời sống người dân ngày càng đi lên. Anh Trương Minh Hào, người dân tại thôn K4, xã Hương Phú cho biết, ngoài làm giàu từ cây keo, cao su, người dân địa phương đã dần thay đổi nhận thức, chủ động phát huy hiệu quả mô hình kinh tế vườn và chú trọng áp dụng KHKT để nâng cao năng suất.

Được biết, anh Hào là một trong những người tiên phong triển khai mô hình trồng rau trong nhà kính. Đến nay, quy mô nhà kính của gia đình anh đã có kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, khu vườn của anh còn trồng thêm nhiều loại cây khác như: ổi, cam, atiso, dưa lưới… và đặc biệt là hoa cúc.

Cùng với Hương Phú, xã Hương Sơn cũng chủ động xin rút khỏi Chương trình 135 vào năm 2004. Cũng từ đó, Nam Đông đã “tạo đà” bứt phá; đến nay toàn huyện chỉ còn 2 xã nhận hỗ trợ từ Chương trình 135 (Hương Hữu, Thượng Long).

Phát huy nội lực

Cuối năm 2020, huyện Nam Đông kỷ niệm 30 năm tái lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhớ lại ngày đầu tái lập, nhiều cán bộ lão thành của huyện đã có dịp chia sẻ những kỷ niệm khó quên vào những ngày đầu gian khổ.

Khi đó, toàn huyện có 9 xã, thì có 6 xã đồng bào định canh định cư với nhiều  khó khăn bủa vây, hơn 2/3 dân số thiếu đói, nơi ăn, chốn ở không ổn định, phương thức canh tác lạc hậu, diện tích đất sản xuất, hoa màu ít, chủ yếu là phá rừng làm nương. Cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, nước, giao thông đi lại khó khăn; tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, dịch bệnh chưa được ngăn chặn. Người có tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ cao, nhiều học sinh bỏ học.

Xuất phát điểm là một huyện miền núi khó khăn, đến nay, toàn huyện đã có 7/9 xã đạt chuẩn NTM; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư kiên cố đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của Nhân dân.

Một trong những nét nổi bật của Nam Đông là đã chuyển đổi và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp mang tính bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái của mỗi xã. Mô hình kinh tế vườn, rừng trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo đó, cao su và keo được quy hoạch thành vùng chuyên canh tập trung, thuận tiện cho chăm sóc và khai thác. Trong kinh tế vườn, huyện chủ trương đầu tư và vận động người dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như chuối, cam, dứa vào trồng chuyên canh trên mảnh vườn của từng hộ gia đình, kết hợp với việc áp dụng tiến bộ KHKT trong trồng trọt để đạt năng suất cao. Chăn nuôi cũng đang trên đà phát triển với việc hình thành các mô hình trang trại, gia trại kết hợp. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo chuồng trại, vườn tạp để chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, để tạo sự đột phá trong giai đoạn tới, Nam Đông xác định 3 chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển văn hóa - du lịch.

Trên cơ sở đó, huyện tập trung vào 3 đột phá là: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu gia trại, trang trại tập trung. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa. Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch ở những vùng, điểm lợi thế, thế mạnh của huyện để có cơ sở pháp lý kêu gọi nguồn lực đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn.

Tuy nhiên, để đạt được định hướng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân phải đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực cao, có như vậy mới xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Bàn giao 5 căn nhà cho hộ dân khó khăn ở Nam Đông

Chiều 29/11, Thừa ủy quyền của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức lễ khánh thành và bàn giao 5 ngôi “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Nam Đông.

Bàn giao 5 căn nhà cho hộ dân khó khăn ở Nam Đông
Return to top