ClockThứ Bảy, 18/05/2019 15:24

Những người lính trở về từ cung đường huyền thoại

TTH.VN - Sáng 18/5, Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh tổ chức gặp mặt các hội viên nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019).

Cách đây 60 năm, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng đoàn, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Khi đó, Đoàn 559 vừa thực hiện nghĩa vụ chi viện chiến lược vừa xây dựng và phát triển. Chỉ sau 2 năm thành lập, từ 500 cán bộ, chiến sĩ, ngày 23/10/1961 Đoàn 559 trở thành đơn vị có quân số tương đương cấp Sư đoàn.

Đến 3/4/1965 Đoàn công tác đặc biệt đổi tên thành Bộ Tư lệnh 559 và đến 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đơn vị tương đương cấp Quân khu. Bộ Tư lệnh Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn, trải dài trên địa bàn 11 tỉnh của nước ta, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Đến năm 1973 - 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, có lực lượng hùng hậu với 9 Sư đoàn binh chủng cùng 21 Trung đoàn trực thuộc với quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội và 1 vạn thanh niên xung phong.

Các cựu chiến binh cùng ôn lại những kỉ niệm của một thời đạn bom

Trong cuộc gặp mặt nhiều cảm xúc của các thế hệ từng là những người lính tham gia mở đường Trường Sơn, CCB Phạm Khắc Minh (sinh năm 1948, ở tại thị xã Phú Bài, huyện Hương Thủy) nhớ lại, năm 1972 đơn vị ông (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 512) đóng quân tại Cam Lộ, Quảng Trị được lệnh vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực đến các đơn vị phục vụ mở đường Trường Sơn. Khi xe vừa vận chuyển đến thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thì một trận B52 trút xuống. Cả thôn chỉ còn đống tro tàn. Đơn vị ông bị thương gần hết, trong đó có 2 đồng đội hy sinh tại chỗ. 

Ký ức của những năm tháng vô cùng gian khó nhưng đầy oanh liệt đã trở thành máu thịt, một phần sống của cuộc đời CCB Nguyễn Văn Vỹ, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh. Trong suốt những năm tháng gắn bó với cung đường Trường Sơn huyền thoại, ông nhớ như in giai đoạn 1974 – 1975 là thời điểm giặc Mỹ bắn phá đường Trường Sơn ác liệt nhất. Ở những cung đường trọng điểm không một ngày nào địch không thả những trận mưa bom để cày xới. Dù trên đầu là bom rơi, đạn lạc nhưng bộ đội ta vẫn bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng… mở đường, đảm bảo cho xe luôn thông suốt.

CCB Nguyễn Văn Vỹ xúc động  kể lại, năm 1972, địch đánh ác liệt tại sông Bạc, Đại đội 4, Binh trạm 42 (tại Lào) bắc cầu phao cho đoàn quân chi viện vào miền Nam phục vụ chiến dịch miền Nam. Cầu phao vừa bắc xong cũng là lúc lũ ở thượng nguồn chảy về, kéo trôi mất cầu. Lúc đó, Thiếu úy Nguyễn Văn Thóa, Chính trị viên Đại đội 4 đã anh dũng kéo cầu lại và hy sinh.

Hay sau khi giải phóng Huế, Trung đoàn 99, đơn vị duy nhất của Bộ Quốc phòng tham gia bắc cầu để mở đường cho quân ta hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại cầu Đuồi  (sông Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) sau khi địch rút đi, Trung đoàn 99 đã tổ chức bắc cầu tạm để các đoàn quân tiến vào miền Nam. Khi bắc được nửa cầu thì bị sập, trước tình thế cấp bách, đồng chí Doãn Văn Kê sáng kiến dùng xe Zil157 có tời để kéo cầu. Hoàn thành nhiệm vụ Đại đội 2, Trung đoàn 99 được tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng 2.

200 hội viên đại diện cho hơn 4 ngàn hội viên trên toàn tỉnh tham gia buổi gặp mặt

Những câu chuyện về một Trường Sơn huyền thoại vẫn được vợ chồng CCB Cao Minh Xuân (sinh năm 1836) và CCB Hồ Thị Triềm (sinh năm 1938) hiện sống tại xã Hương Lâm, huyện A Lưới kể lại cho con cháu nghe. Tháng 3/1959, cả hai vợ chồng ông đều tình nguyện tham gia mở đường Trường Sơn. Ông không thể nào quên giai đoạn 1964 – 1966 là khoảng thời gian ác liệt, khi địch ngày đêm bắn phá và rải hàng tấn chất độc lên vùng đất quê hương mình. “Có những đoạn đường vừa mới mở xong thì địch phát hiện và càn quét, quân ta lại phải xóa dấu vết, đi mở đoạn khác, cứ thế địch cứ đánh, ta cứ mở đường, cứ đi, rồi đánh địch mà đi…”, CCB Cao Minh Xuân chia sẻ.

Cái bắt tay thắm tình đồng đội ngày gặp lại

Biết bao nhiêu gian khổ, ác liệt, hứng chịu biết bao trận mưa bom, bão đạn nhưng những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn mang trong mình một ý chí, nhiệt huyết chiến đấu và “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đó cũng chính là sức mạnh, là động lực để con đường Trường Sơn thông suốt, trở thành con đường huyền thoại, nối kết Bắc Nam keo sơn.

16 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, bộ đội Trường Sơn đã tạo nên lịch sử khi mang trong mình sứ mệnh lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh được thành lập ngày 11/3/2004. Ngày 23/6/2017 đổi tên thành Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh. Hiện, hội có 4.138 hội viên, sinh sống trên toàn tỉnh. Trong đó, có 128 hội viên nhập ngũ trước năm 1959, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; 281 hội viên là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc màu da cam… và có hơn 1.000 hội viên hiện đảm nhiệm các chức vụ khác nhau tại địa phương.

 

Bài, ảnh: Thanh Thảo

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng

Tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện Huế-thành phố trực thuộc trung ương, Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc.

Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng
65 năm con đường huyền thoại

Tại một triển lãm tranh ở Huế, công chúng ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy một bức tranh cỡ lớn vẽ một chiếc xe đang leo qua cầu dây trên tuyến đường Trường Sơn. Bức tranh đó của họa sĩ Hoàng Thanh Phong thuộc thế hệ 8x.

65 năm con đường huyền thoại
“Trong mơ ta còn muốn đợi bầy phượng hoàng trở lại”

Có một sự trùng hợp rất thú vị là huyền thoại về chim phượng hoàng không chỉ từ khắp nơi trên thế giới “bay” đến không gian triều Nguyễn, không gian Huế mà còn xuất hiện trong cả bài hát lý về “mùa săn máu” của người Cơ Tu ở Trường Sơn đại ngàn.

“Trong mơ ta còn muốn đợi bầy phượng hoàng trở lại”
Sạt lở đường Hồ Chí Minh qua xã Hương Nguyên

Ngày 18/10, Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT) cho biết, đã phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sạt lở đường Hồ Chí Minh qua xã Hương Nguyên
Return to top