Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế
Đảm bảo quyền lợi người lao động
Giữa năm 2018, LĐLĐ tỉnh nhận được đơn khiếu nại của 17 người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Trường phổ thông Huế Star về việc bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) không được chốt sổ, ảnh hưởng đến quyền lợi. Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành và tiến hành làm việc với Hội đồng Quản trị Trường phổ thông Huế Star. Qua làm việc, LĐLĐ tỉnh yêu cầu trường chuyển nộp được số tiền nợ BHXH 936 triệu đồng để chốt sổ cho 17 NLĐ có đơn khiếu nại.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với đoàn liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thành lập vào tháng 9/2018, trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường, yêu cầu đơn vị đóng đủ số tiền 476 triệu đồng để chốt sổ cho 19 NLĐ còn lại. Kết quả, trường chuyển nộp 300 triệu đồng, đến nay vẫn nợ lại 175 triệu đồng. LĐLĐ tỉnh còn đại diện cho NLĐ làm thủ tục hưởng chế độ thai sản cho 2 lao động nữ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản với số tiền gần 40 triệu đồng.
Đây là một trong nhiều vụ việc được LĐLĐ tỉnh can thiệp kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại của NLĐ về thực hiện chính sách BHXH và pháp luật lao động đã được chính quyền các cấp, cơ quan, ban ngành phối hợp giải quyết kịp thời. Kết quả trên đánh dấu việc thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị.
Từ năm 2014 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện giám sát và tham gia giám sát tại 915 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung vào các nội dung như: thực hiện quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Quy chế dân chủ tại nơi làm việc…Qua đó, các cấp công đoàn tham gia ý kiến với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công nhân, viên chức, lao động ngày càng có ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Công tác phản biện xã hội cũng được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện, ngày càng đi vào thực chất, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Nhiều hình thức phản biện được thực hiện có hiệu quả như: thông qua Website công đoàn, facebook Công đoàn Huế, thông tin báo chí, hội nghị, hội thảo,… để phản ánh nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ đến các cơ quan chức năng, tạo sự đồng thuận cao đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với NLĐ. Công đoàn còn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất, thực hiện công tác giao ban định kỳ…để kịp thời giải quyết những phát sinh trong quan hệ lao động.
Đi vào chiều sâu
Bà Hoài Hương cho biết, việc tổ chức thực hiện Quyết định 217 trong thời gian qua đã được LĐLĐ tỉnh và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện và từng bước đi vào chiều sâu.
Công tác giải quyết khiếu nại của NLĐ về thực hiện chính sách BHXH và pháp luật lao động đã được chính quyền các cấp, cơ quan ban ngành phối hợp giải quyết kịp thời. Công tác phối hợp liên ngành LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được chú trọng, nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động như: Khởi kiện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Đức về việc nợ BHXH; chỉ đạo Công đoàn ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khởi kiện Công ty Đầu tư xây dựng giao thông - thủy lợi ra Tòa án thành phố để bảo vệ quyền lợi cho 26 NLĐ; thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với các doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn, qua đó đôn đốc và thu hồi nợ về BHXH với số tiền 56,7 tỷ đồng (tính đến tháng 2/2019).
LĐLĐ tỉnh đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho NLĐ và người sử dụng lao động như: tổ chức diễn đàn “Nghe công nhân nói, nói với công nhân”, đối thoại doanh nghiệp, truyền thông pháp luật, “Xe buýt Công đoàn”, truyền hình Công đoàn, trang Website của Công đoàn Thừa Thiên Huế, Facebook “Công đoàn Huế”…
Hàng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn cho gần 2.000 NLĐ và người sử dụng lao động tham gia và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều diễn đàn “Nghe công nhân nói, nói với công nhân”; truyền thông pháp luật tại doanh nghiệp, bình quân từ 15 đến 20 đơn vị/năm.
“Bên cạnh những kết quả, công tác giám sát, phản biện xã hội của đơn vị vẫn có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế còn tồn tại và yêu cầu các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội cụ thể theo từng địa phương dưới góc độ công đoàn. Chú trọng vào một số vấn đề như an toàn vệ sinh lao động, BHXH…”, bà Hoài Hương cho biết thêm.
Bài, ảnh: Minh Nguyên