ClockThứ Sáu, 24/05/2024 11:43

Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng

TTH - Dự án (DA) nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp, thuộc huyện A Lưới với 10 mô hình kế cho 100 hộ dân đã thực sự mang lại hiệu quả bước đầu, khi bà con thu được nguồn lợi từ các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dânHỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

 Mô hình sinh kế NTTS đã mang lại công việc ổn định cho nhiều phụ nữ địa phương

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã hỗ trợ 300 triệu cho 10 nhóm mô hình sinh kế NTTS bền vững tại 5 xã Sơn Thủy, Quảng Nhâm, Hồng Kim, Hồng Thái và Hồng Thượng. Ngoài nguồn tiền từ DA hỗ trợ là 30 triệu/nhóm, các  thành viên nhóm tham gia đóng góp (vốn đối ứng) để lắp đặt lồng nuôi hay tu sửa, nạo vét ao hồ để phát triển mô hình NTTS theo hướng bền vững.

Sau 1 năm thực hiện, nhóm nuôi cá thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm nuôi hồ cá nước ngọt chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá leo với diện tích mặt hồ 400m2 đã cho thu lợi nhuận bước đầu. Nay, từ nguồn lợi nhuận đó, các thành viên nhóm đã thống nhất trích để tái đầu tư mở rộng thêm quy mô, mở thêm một hồ 200m2 nữa. 

Chị Lê Thị Lan, thôn Pất Đuh, thành viên tham gia mô hình sinh kế NTTS cá nước ngọt chia sẻ: Khi tham gia mô hình kinh tế tập thể cũng có nhiều khó khăn, nhưng vì mục tiêu chung là muốn phát triển kinh tế trên cơ sở nguồn lợi có sẵn, các thành viên đều đoàn kết, chung tay cùng làm. Mọi chi phí đầu tư nuôi trồng đều được công khai, lợi nhuận được chia đều. Mới bắt đầu làm một năm mà đã có được lợi nhuận, rồi mở rộng thêm diện tích nuôi trồng nên ai nấy đều phấn khởi. Mong rằng, đây là mô hình phù hợp cho bà con chúng tôi có công việc ổn định để phát triển kinh tế gia đình.

Cũng lựa chọn mô hình NTTS nước ngọt, nhóm nuôi cá thôn Vinh Lợi, xã Sơn Thủy đã đầu tư nuôi cá trắm, cá trê, chép, cá chim, rô phi, cá leo từ diện tích ao hồ 1ha hiện đã mở rộng ra 2ha.

Chị Dương Thị Hằng, thôn Vinh lợi, thành viên tham gia mô hình sinh kế cho biết: Nhờ được DA đầu tư vốn ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát sát sao trong quá trình nuôi trồng nên các thành viên đều có ý thức, động lực để phát triển mô hình được như ngày hôm nay. NTTS không quá khó, nhưng để sinh lợi thì phải có những kiến thức cơ bản và phải có được nguồn giống tốt. Chính sự giúp sức của DA đã giúp chúng tôi có được sinh kế và biết cách làm chủ, phát triển sinh kế của mình theo hướng bền vững.

Nhóm sinh kế thôn A Đâng, xã Hồng Thái lựa chọn mô hình nuôi cá lồng trên sông Tà Rình. “Nuôi cá lồng vốn đầu tư không ít, thời gian thu hoạch khá dài nhưng cá phát triển khá tốt lại phù hợp với hướng phát triển kinh tế của địa phương. Chúng tôi lựa chọn loại cá trắm cỏ, rô phi để nuôi vì đây là loài cá khá phù hợp với khí hậu A Lưới, sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn thức ăn cho cá cũng khá dồi dào. Những lứa xuất bán đầu tiên đã mang lại lợi nhuận khá. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng khu vực nuôi”, chị Hồ Thị Việt, thôn A Đâng chia sẻ.

10 mô hình sinh kế NTTS cộng đồng đang được thực hiện tại 5 xã DA gồm 3 mô hình nuôi cá lồng, 5 mô hình nuôi cá ao đất chủ động nước và 2 mô hình nuôi ếch. Các mô hình sinh kế NTTS cộng đồng không những phù hợp với chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của bà con mà còn phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và tài nguyên nước hiện có. Với quy trình kỹ thuật dễ thực hiện, phù hợp với năng lực của người dân, cách vận hành làm việc theo nhóm cũng phù hợp với điều kiện sống và phong tục tập quán của bà con địa phương nên các mô hình sinh kế cộng đồng bước đầu đã góp phần tạo thêm việc làm, đặc biệt cho phụ nữ vùng cao. Các mô hình sinh kế NTTS đã thu hút được 100 thành viên tham gia, trong đó có 70 phụ nữ, góp phần nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt cho phụ nữ; đồng thời còn góp phần tăng sự bình đẳng giới, tăng quyền và cơ hội tham gia cho phụ nữ vùng cao, thông qua mô hình làm việc theo nhóm.

PGS.TS. Trịnh Thị Định - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết: Để đánh giá hiệu quả của các mô hình sinh kế, CSRD đã phối hợp với chuyên gia ở Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế để tiến hành đánh giá độc lập về hiệu quả của các mô hình sinh kế cộng đồng triển khai tại địa bàn DA. Sau một năm triển khai, với những kết quả bước đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ bà con, giám sát để sinh kế thực sự phát huy hiệu quả, mang lại công việc ổn định, nguồn thu nhập tốt cho người dân.

Bài, ảnh: Thảo Tâm
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng

Ngày 6/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức khai mạc hội nghị Festival khoa học Huế lần thứ 7 với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì sức khoẻ cộng đồng” và Hội nghị Y Sinh học Quốc tế lần thứ nhất, khánh thành Viện Y Sinh học, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế.

Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng

TIN MỚI

Return to top