Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hỗ trợ sinh kế
Là một trong những hộ nghèo của xã Thượng Long, gia đình chị Phạm Thị Th. nhiều năm liền vẫn loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện kinh tế.
Cuối năm 2018, khi địa phương có chính sách hỗ trợ lao động học nghề, chị Th. đăng ký tham gia lớp học may do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nam Đông chiêu sinh.
Sau khóa học nghề may 3 tháng, có tay nghề cơ bản tốt, chị được giới thiệu việc làm tại Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora đóng trên địa bàn huyện. Sau thời gian học việc, chị Th. chính thức trở thành lao động của công ty với mức lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng.
“Làm việc tại công ty thu nhập ổn định, được hưởng các chế độ phúc lợi khá tốt, nếu làm lâu dài tôi có thể tích lũy được một khoản tiền để hỗ trợ thêm gia đình phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo”, chị Th. chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Nam Đông tiếp tục thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã có hơn 6.000 lượt hộ được hỗ trợ với số tiền 236.825 triệu đồng.
Đến nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế… Từ đó, người dân ý thức chủ động trong việc tăng gia sản xuất và chăn nuôi; mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, có tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xóa “vùng lõm”
Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông thông tin, tuy công tác giảm nghèo những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định; nhưng thực tế cho thấy vấn đề “cốt lõi” của địa phương vẫn là tập trung xóa đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn huyện có 281 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên tổng số 325 hộ nghèo; với hộ cận nghèo con số này là 216/309.
Lý giải các nhóm nguyên nhân nghèo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hóa chia sẻ, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu kinh nghiệm sản xuất và quản lý, sử dụng đất chưa phù hợp. Các hộ nghèo trồng các loại cây chưa phù hợp thổ nhưỡng, tỷ lệ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao, năng suất thấp, gây chán nản dẫn đến bán đất hoặc cho thuê nhiều năm. Bên cạnh đó, tính toán chi tiêu chưa phù hợp, thiếu tích lũy để tái sản xuất hay việc trông chờ vào các chính sách của Nhà nước cũng là rào cản lớn.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, nhất là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân. Với việc nâng chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, ước tính tổng số hộ nghèo trên toàn huyện sẽ tăng lên khoảng 800 hộ và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giải quyết vấn đề trên, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung hỗ trợ bà con mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, huyện Nam Đông tập trung thực hiện Chương trình trọng điểm “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021” và về lâu dài với giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho đồng bào và chỉ đạo tất cả các cấp ngành cần có sự chung tay vào cuộc.
Với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nam Đông tập trung xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của từng địa phương; chú trọng phát triển kinh tế vườn gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật và mỗi xã xây dựng thành công một sản phẩm chủ lực (OCOP) để xây dựng chuỗi giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển sinh kế dưới tán rừng cũng là một hướng đi phù hợp với năng lực, trình độ và nhận thức của đồng bào. Hiện Nam Đông đang kêu gọi một doanh nghiệp đứng ra thu mua các loại nông sản dưới tán rừng, đặc biệt là cây dược liệu của người dân để đảm bảo tính bền vững.
“Không chỉ hỗ trợ sinh kế, địa phương còn tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của đồng bào với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện, việc làm công ăn lương tại các doanh nghiệp trên địa bàn cũng là hướng phát triển mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính riêng Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora tại Nam Đông đã có gần 300 con em đồng bào làm việc và cho thu nhập ổn định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề song song, liên kết với công ty để đảm bảo đầu ra cho học viên”, ông Dương Thanh Phước cho biết thêm.
Nam Đông đã triển khai mô hình phân công đảng viên phụ trách những hộ gia đình khó khăn, chậm tiến để theo sát hỗ trợ, báo cáo tình hình với huyện để có hướng hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cấp xã cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm trợ lực giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Minh Nguyên