ClockChủ Nhật, 10/04/2022 06:55

Báo Nhành Lúa và những cống hiến

TTH.VN - Với nhiều cống hiến, báo Nhành Lúa xứng đáng được đặt ở một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế.

Ngôn luận của những người yêu nướcKể chuyện làm báo cách mạng công khai ở HuếNơi tái hiện lịch sử báo chí & giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần bài viết "Vai trò của Nhành Lúa trong việc hiệu triệu quần chúng đón Godart và đưa yêu sách đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939)" của PGS.TS. Đặng Văn Hồ:

Trang nhất số báo Nhành lúa ra ngày 5/2/1937

Cùng với những người cộng sản, lực lượng dân chủ tiến bộ quần chúng lao động. Báo Nhành Lúa tuyên truyền kêu gọi, định hướng các biện pháp quyết liệt chuẩn bị đón Đặc sứ Godart để đưa các bản dân nguyện của Nhân dân lao động đòi nguyện vọng lên Chính phủ Bình dân Pháp.

Ngay vị trí quan trọng của số 1, ra ngày 15/1/1937 Nhành Lúa đã tuyên bố: “Tờ báo này ra đời không có lời phi lộ” với lý do: “Đương buổi báo giới Đông Dương còn bị dưới đạo sắc Varenne ngày 4/10/1927 chi phối, tờ báo này xin miễn viết bài phi lộ”.

Nhành Lúa xác định đây là tuần báo “Xã hội văn chương lấy sự bênh vực anh em nghèo làm tôn chỉ” và phát động quần chúng đoàn kết đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do lập nghiệp đoàn báo giới, lời hiệu triệu này được công bố ngay số đầu tiên:

“Chúng tôi lên tiếng gọi: “Lão thành hay thanh niên, quốc gia hay quốc tế, cấp tiến hay hòa bình, Phật giáo, gia giáo hay vô tôn giáo, trong những giờ nghiêm trọng này, chúng tôi mong các cụ, các ngài, các bạn hãy để một bên những ý kiến biệt phái, chúng ta cùng nhau hiệp lại để bênh vực những quyền lợi cần thiết chung của chúng ta: “Chúng ta chỉ có một lực lượng: Dân Đông Dương”. “Chúng ta chỉ có một nguyện vọng: Làm thế nào cho dân Đông Dương được một bầu không khí dễ thở hơn và một bát cơm đầy đủ hơn”.

Trong phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939), báo Nhành Lúa đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ do Xứ ủy Trung Kỳ đề ra, trong đó có những hoạt động sau là nổi bật hơn cả:

Một là, cuộc đấu tranh trong việc hiệu triệu quần chúng đón Godart.

Hai là, cuộc vận động đòi các quyền dân sinh, dân chủ, nhất là quyền tự do báo chí và tổ chức cuộc Hội nghị Báo giới Trung Kỳ. Với 9 số báo ra đời, báo Nhành Lúa đã đóng vai trò chủ đạo trong việc đòi tự do báo chí.

Ba là, cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và đấu tranh bác bỏ dự án thuế thân (1938).

Sau khi Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn bị đóng cửa thì yêu cầu xây dựng tờ báo mới trở nên cấp bách. Nguyễn Chí Diểu đưa vấn đề để các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ bàn bạc. Phan Đăng Lưu chủ trương lợi dụng tờ Sông Hương của Phan Khôi đang ế ấm có nguy cơ đình bản, xin nhượng lại giấy phép để xây dựng cơ quan ngôn luận của Đảng. Xây dựng tờ Sông Hương tục bản của Đảng. Tòa soạn của báo nằm trên đường xuống Đập Đá, gần lối rẽ vào chợ Cống.

Sông Hương tục bản ra đời số đầu tiên ngày 19/6/1937. Sau đó, báo Dân ra đời số đầu tiên ngày 6/7/1937 với tiêu đề “cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ” do dân biểu Nguyễn Trác làm Giám đốc, dân biểu Nguyễn Đan Quế làm quản lý, nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, không lâu sau đó tờ Sông Hương và tờ báo Dân trở thành cơ quan ngôn luận chủ đạo cuộc tranh cử ở Viện Dân biểu trung Kỳ khóa 3 và cuộc đấu tranh bác bỏ dự án thuế thân và thuế điền thổ của thực dân Pháp và chính phủ Nam triều.

Tại Thừa Thiên, một cuộc họp các đoàn thể, các huyện, các khu phố được triệu tập tại tòa soạn Sông Hương. Hội nghị thảo luận và giao trách nhiệm các địa phương và các ngành, các giới phải tổ chức mít tinh lên án sự bất lực, cúi đầu của các ông nghị theo đuôi Pháp, không đại diện cho tiếng nói nguyện vọng nhân dân, đồng thời gây dư luận vận động bỏ phiếu cho ứng cử viên do ta đưa ra. Mặt khác ta liên lạc với những nhân sĩ, trí thức tiến bộ, có tinh thần dân tộc, lôi kéo họ ủng hộ ứng cử viên của ta.

Càng gần đến ngày bầu cử, cuộc vận động tranh cử càng quyết liệt. Nguyễn Chí Diểu ngày đêm tiếp xúc với các tỉnh về báo cáo tình hình. Đến ngày bầu cử, Lê Thanh Cảnh thuê tiền cho du côn về các thùng phiếu giở trò uy hiếp cử tri để kiếm phiếu. Anh lập tức chỉ thị cho các nhóm thanh niên xuống đường bảo vệ quần chúng, đuổi bọn du côn phá hoại. Đợt một, ba huyện phía nam giành được thắng lợi, cụ Hoàng Đức Trạch trúng cử. Khu vực Huế, nhờ số cử tri quan chức, Lê Thanh Cảnh trúng cử. Chỉ còn lá phiếu ở Phong Quảng là quyết định sự thành bại ở Thừa Thiên. Các đồng chí đi xuống vận động ráo riết.

Trang nhất Sông Hương tục bản ra ngày 14/10/1937

Với thắng lợi đó, phiên họp của Hội đồng dân biểu Trung Kỳ trong hai ngày 14 và 15/9/1938 đã bác bỏ dự án thuế thân và thuế điền thổ của thực dân Pháp đưa ra. Đánh giá về thắng lợi này, báo Dân đã có bài Xã luận: “Báo Dân do Phan Đăng Lưu, thay mặt Xứ uỷ Trung Kỳ chi đạo, có những bài xã luận cổ vũ mạnh mẽ các nghị viên đấu tranh Viện dân biểu Trung kỳ khóa này thiệt là xứng đáng với cái danh của nó là đại biểu cho dân”, “Kỳ hội đồng năm nay, các ông nghị Trung Kỳ đã biết một thiên sử rất vẻ vang, rất oanh liệt trong lịch sử dân viện tử này”...”.

Thời kỳ 1936 - 1939, trước sự khủng bố của chính quyền bảo hộ và Nam triều, báo Nhành Lúa đã phát huy tối đa sức mạnh của cơ quan ngôn luận, là ngọn cờ tiêu biểu trên mặt trận báo chí, là vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, thể hiện rõ quan điểm của những người cộng sản ở Huế và Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhành Lúa đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng giai đoạn 1936 - 1939 của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và cũng là tờ báo cách mạng đầu tiên xuất bản ở Huế với một Ban biên tập gồm những cựu tù chính trị đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng và những đảng viên trung kiên, giàu bản lĩnh chính trị và lý luận cách mạng.
Ngay cả khi bị đình bản, mục đích, tôn chỉ của Nhành Lúa vẫn còn được tiếp tục thực hiện bởi các yếu nhân, người viết chủ yếu của báo đã tập hợp để tiếp tục cho ra đời các tờ báo cách mạng khác như Sông Hương tục bản, báo Dân... Với những cống hiến đó, Nhành Lúa xứng đáng được đặt ở một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy vai trò của ngành thanh tra trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 6/12, tại TP. Huế, cụm thi đua Thanh tra các tỉnh Bắc Trung bộ (CTĐTTBTB) tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.

Phát huy vai trò của ngành thanh tra trong phát triển kinh tế - xã hội
Khẳng định vai trò của phụ nữ

“Dựa trên những kết quả của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Hương Thủy triển khai ở mức độ cao hơn. Qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ, gia đình và tổ chức Hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Khẳng định vai trò của phụ nữ
FAO: Cần tăng cường vai trò của thủy sản trong việc chấm dứt đói nghèo

Trong một cuộc họp gần đây ở Italy, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra một báo cáo quan trọng về nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, trong đó, nhấn mạnh nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào Chuyển đổi Xanh để thực phẩm thủy sản có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc chấm dứt tình trạng đói nghèo toàn cầu.

FAO Cần tăng cường vai trò của thủy sản trong việc chấm dứt đói nghèo
Phát huy vai trò của thiết bị dạy học

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là sự thay đổi về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp và cách thức khai thác sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiệu quả.

Phát huy vai trò của thiết bị dạy học
Return to top