ClockThứ Năm, 21/06/2018 14:23

Kể chuyện làm báo cách mạng công khai ở Huế

TTH - Nhành Lúa chuẩn bị đình bản đã có ngay Kinh tế Tân Văn, rồi Sông Hương Tục Bản; Báo Dân bị đóng cửa, lập tức Xứ ủy Trung Kỳ cho ra mắt các tờ Dân Tiến, Dân Muốn. Chưa bao giờ, báo chí cách mạng ở Huế lại phát triển mạnh mẽ và sôi động như những năm từ 1937 đến 1939.

Sân chơi tầm vóc của những người làm báo miền TrungThêm một số tư liệu quý về sự ra đời của báo “Tiếng Dân” tại Huế

 

Báo Nhành Lúa

 Sự ra đời của Mặt trận Bình dân ở Pháp đã tạo điều kiện cho tự do báo chí phát triển. Thế nhưng với báo chí cách mạng câu chuyện lại không đơn giản. Thực dân Pháp và Chính phủ Nam Triều luôn tìm cách ngăn chặn, cấm đoán các tờ báo có tư tưởng cộng sản. Vậy nên, muốn ra được báo Đảng phải có cách. Như trường hợp của tờ Sông Hương Tục Bản, sau khi các tờ Nhành Lúa và Kinh tế Tân Văn bị cấm phát hành, Xứ ủy Trung Kỳ và Đảng bộ Thừa Thiên phải tính đến chuyện mua lại tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi vào giữa năm 1937. Đây là tờ báo chỉ bàn chuyện văn chương, mỹ thuật và cả cách đọc chữ Hán, bấy giờ đang rơi vào tình trạng “tài chánh quẫn bách”. Mua lại là để ra báo hợp pháp mà khỏi cần xin phép chính quyền và tờ Sông Hương đã được đổi thành Sông Hương Tục Bản. Tờ Báo Dân sau đó, cũng của Xứ ủy Trung Kỳ lại được đứng tên bởi các ông nghị Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát của Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Có được tờ báo trong tay, làm thế nào để báo đến được với bạn đọc là cả câu chuyện khó. Đọc lại toàn bộ các số Báo Dân, tôi nhận thấy báo không chỉ đơn thuần bàn về chính trị khô khan mà đã đề cập đến nhiều vấn đề được bạn đọc bấy giờ quan tâm. Về mặt hình thức, có đủ các thể tài báo chí, từ tin vắn đến phóng sự, chính luận, bình luận, tiểu phẩm, thơ… Mặt khác, để hấp dẫn và thu hút bạn đọc quan tâm, báo mở các mục: Dân Cười, Dân Kêu, Dân Hỏi, Bạn Gái, Báo sách Mới, Tin cuối cùng…rất sắc sảo và ấn tượng. Đó được xem là cách tốt nhất để đưa Báo Dân đến với đông đảo bạn đọc, qua đó góp phần truyền tải những tư tưởng cách mạng đến với các tầng lớp Nhân dân.

Báo Dân

Công việc in ấn và phát hành hết sức khó khăn. Để tránh tai mắt của mật thám Pháp, Báo Nhành Lúa được biên tập ở Huế, chuyển ra Hà Nội ấn loát, in xong phát hành tại đây và một số mang vào Huế và các tỉnh miền Trung. Báo Sông Hương Tục Bản in ở Vinh. Bài vở các báo Dân Tiến và Dân Muốn được chuẩn bị và tổ chức biên tập ở Huế, mang vào in và phát hành ở Sài Gòn và đưa một số ra Huế và miền Trung. Mặc dù việc in ấn và phát hành gặp vô vàn khó khăn nhưng những người làm báo Đảng bấy giờ vẫn tỏ rõ sự tôn trọng bạn đọc và các cộng tác viên. Trên các số Báo Dân vẫn duy trì khá đều đặn mục trao đổi với bạn đọc. Số báo 12 ( 13/9/1938), dưới đầu đề “Xin nhà giây thép chú ý, nạn báo mất và trễ”, sau khi nêu lên một số trường hợp cụ thể, đã kiên quyết: “Yêu cầu Sở giây thép điều tra và trừng trị những kẻ làm không tròn bổn phận”.

Trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Một hôm anh (đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ) hỏi tôi: Cậu biết làm thơ không? Tôi đáp: Niêm luật đường thi, ca dao lục bát thì thôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không. Vậy thì tốt rồi. Anh Lưu nói: Báo ta (Báo Dân) hơi khô. Cậu biết là thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà do đế quốc phong kiến bóc lột và do sưu cao thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân”. Theo lời bậc đàn anh Phan Đăng Lưu, nhà cách mạng xứ Huế đã viết những bài thơ cách mạng tràn đầy nhiệt huyết đầu tiên thể hiện thân phận cá nhân (Mồ côi) hay những cảnh đời khổ cực, bất công (Vú em) và đã được đăng trên Báo Dân. Tố Hữu đã trở thành “cây” thơ của tờ báo.

 Trụ sở Báo Thừa Thiên Huế nguyên là trụ sở Báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ

Không chỉ làm tốt công tác tổ chức đội ngũ và chỉ đạo nội dung, đồng chí Phan Đăng Lưu còn là người trực tiếp viết bài cho các báo Nhành Lúa, Sông Hương, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn… Riêng với Báo Dân, ông đã có tới 41 bài ở toàn bộ 17 số báo với hàng chục bút danh khác nhau. Cùng với ông là đội ngũ những cán bộ cách mạng của Đảng, những nhà báo tài năng và nhiệt huyết: Nguyễn Chí Diễu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Hải Thanh… Họ làm báo hăng say và nhiệt huyết. Trong hồi ký của mình, ông Ngô Đức Mậu đã kể lại một chi tiết rất đáng nhớ khi có dịp ghé thăm tòa soạn Báo Dân tại địa chỉ số 11 Dodart de Lagreé đã chứng kiến cảnh các thành viên trong Ban Biên tập “ở trần trùng trục vào buổi trưa” để viết và biên tập bài vở chuẩn bị cho số báo sắp phát hành. Ông Ngô Đức Mậu là thư ký tòa soạn của tờ Sông Hương Tục Bản.

Phan Đăng Lưu và các đồng chí của mình cũng đã làm báo với tinh thần dấn thân cho lý tưởng. Các tờ báo liên tục nối nhau, tờ này bị đình bản lại xuất hiện tờ báo mới là một minh chứng. 80 năm rồi đã đi qua, nhưng cuộc chiến chống lại án tử dành cho Báo Dân vẫn khó quên trong tâm trí người đọc. Gần như ngay lập tức sau khi Báo Dân bị đình bản, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, một bộ phận biên tập viên đã vào Nam và cùng với Đảng bộ Sài Gòn ra tuần báo Dân Tiến. Cuộc đấu tranh bảo vệ Báo Dân thông qua các bài viết đanh thép trên tờ Dân Tiến và sau đó là Dân Muốn đã khiến cho thực dân Pháp và Chính phủ Nam triều khiếp sợ. Nó trực tiếp tiếp thêm sức mạnh cho ông chủ Báo Dân là các nghị viên Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi giảm án tiền phạt và giảm án phạt tù vì các liên quan trực tiếp đến Báo Dân.

Trụ sở các tờ báo Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn và Sông Hương Tục Bản nằm trên đường Lê Lợi nay đã chuyển mục đích sử dụng. Thế nhưng, tòa soạn Báo Dân ở 11 Dodart de Lagreé tức 61 Trần Thúc Nhẫn hiện nay, như một cơ duyên, là trụ sở của Báo Thừa Thiên Huế, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. 80 năm trôi qua, nhớ lại thời kỳ làm báo cách mạng công khai ở Huế, càng trân quý hơn tâm lòng, nhiệt huyết và bản lĩnh tuyệt vời của đồng chí Phan Đăng Lưu trong tư cách là một báo chiến sĩ và các đồng chí của ông. Đó thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Return to top