Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ 2 Đảng Lao động Việt Nam (1951), Hồ Chủ tịch đã đề cập: “Cậy mình có một ít thành tích thì tự kiêu, tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng”. Người chỉ rõ: “Có người cậy mình là “công thần cách mạng” rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng”. Những dự báo Bác chỉ ra cách đây gần 70 năm vẫn còn đúng trong thực tế hiện nay.
Trong đời sống xã hội đa chiều, người cán bộ, đảng viên cần phải có chính kiến đấu tranh với cái xấu nhưng phải trên tinh thần xây dựng, xuất phát từ cái tâm. Những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện để tự nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, chê bai chế độ là hết sức đáng trách. Phê phán không đúng lại kèm theo bệnh công thần, kiêu ngạo thì vô cùng tai hại.
Biểu hiện dễ thấy của bệnh công thần là phát ngôn thiếu thận trọng, bất chấp đúng sai, nói theo quan điểm suy diễn riêng. Khi công tác có một số thành tích, có chức quyền thì bắt đầu lên mặt, xa rời Nhân dân, khinh thường cấp dưới, thiếu tôn trọng cấp trên. Khi về hưu không còn được mọi người chú ý nên sinh ra oán trách hoặc tỏ ra mình còn có quyền hành bắt mọi người tuân theo. Hai năm trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vi phạm của một cán bộ lãnh đạo còn rất trẻ, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư cấp ủy một thành phố lớn. Trong nhiều nội dung vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng là mất dân chủ, không tôn trọng cấp dưới, áp đặt chủ quan, coi mình là trung tâm buộc mọi người phải chấp hành. Hay chuyện về một cán bộ cấp tướng khi đi xe bị cảnh sát giao thông thổi lại đã dùng những ngôn từ mạt sát, đe dọa chiến sĩ cảnh sát. Thậm chí còn tuyên bố đòi cách chức cả giám đốc của đồng chí cảnh sát nọ. Đúng sai chưa cần bàn đến, nhưng cách phát ngôn đã mang nặng công thần mặc dù đã nghỉ hưu.
Có những người, lời nói, việc làm của họ thường được dư luận quan tâm, tin tưởng. Vì vậy, khi phát ngôn không đúng, hành xử thiếu chuẩn mực sẽ có nhiều người nghe theo, lan truyền trong xã hội, làm phân tâm, chia rẽ trong nội bộ. Nguy hiểm nhất là từ những người có công, có nhiều đóng góp cho cách mạng nhưng giờ lại chống lại Đảng, Nhà nước. Hơn 30 năm về trước, ngộ nhận mình có công lao trong kháng chiến, cùng với ý đồ chờ sụp đổ của chế độ nên Bùi Tín (Đại tá quân đội) đã trốn ở lại Pháp chờ thời. Ông ta quên nghĩ sâu xa khi kết cục không còn là “con bài chính trị”, không còn lợi dụng được để chống Việt Nam nên đã bị bỏ rơi. Khi muốn quay về không được, đến chết phải gửi xác ở xứ người. Một số người bị khủng hoảng niềm tin, tâm lý “hiếu thắng”, bị tác động bởi tư tưởngchống đối đã tìm cách tiếp xúc với số đối tượng cơ hội chính trị, các tổ chức chống Đảng nhằm làm chỗ dựa. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khai trừ Đảng với ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ. Từ khi nghỉ hưu, ông ta đã viết bài, tham gia các diễn đàn chống lại quan điểm, đường lối của Đảng dù được nhắc nhở, kiểm điểm nhưng không chấp hành. Nghiêm trọng hơn là đã câu kết với các tổ chức chống đối tán phát tài liệu chống Đảng, đòi “đa nguyên, đa đảng”. Một số đối tượng vận động lập ra nhóm hội bất hợp pháp với mục đích chống lại Nhà nước, chế độnhư: Văn đoàn độc lập, Hội Nhà báo độc lập, Nhóm kiến nghị 72. Gần đây, một vị tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên lãnh đạo một đơn vị quân đội nghỉ hưu đã có phát ngôn nói xấu lãnh đạo Nhà nước, quân đội, tập hợp viết sách có nhiều nội dung không đúng sự thật, tham gia diễn đàn trái phép xuyên tạc lịch sử, quan hệ với các “nhà dân chủ” chống đối trong nước.
Những biểu hiện công thần, kiêu ngạo, tự đặt mình cao hơn để phán xét, chê bai, xúc phạm người khác là thiếu văn hóa, thiếu nhân tâm cần phải được lên án. Từ chê bai cá nhân dẫn đến chê bai chế độ, hạ thấp thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin với Đảng, Nhà nước ta. Những người mắc căn bệnh công thần, kiêu ngạo đã bị “biến chứng” thành “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. Không tỉnh lại, không sám hối chắc chắn họ sẽ trượt dài trên con đường chống Đảng, chống chế độ, đi ngược lại lý tưởng của Đảng mà họ là ngườiđã từng phục vụ. Căn bệnh nan y này cần phải sớm loại bỏ, không để lây lan trở thành đại dịch khó chữa trị.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH