Khi Trung Quốc gây ra tình hình phức tạp ở vùng biển bãi Tư Chính cũng là thời điểm có nhiều dư luận đưa ra hoặc bịa đặt tung tin về các nước lớn can thiệp, hỗ trợ Việt Nam bằng quân sự chống xâm phạm của Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra hồ hởi đón nhận như đó là biện pháp cần thiết, cứu cánh cho chúng ta.
Câu nói được cho là của Đô đốc, Tư lệnh Hạm đội 7: “Mỹ sẽ điều hạm đội 7 đến bãi Tư Chính". Thông tin chưa được xác thực, nhưng việc Mỹ đánh tiếng và quan tâm đến xung đột bãi Tư Chính của Việt Nam là có thật. Nhiều nội dung nêu ra về hải quân các nước Nhật, Hàn, Nga sẽ tăng cường tới vùng biển Tư Chính để bảo vệ các công ty của họ liên doanh với Việt Nam. Nhiều kẻ còn phê phán lãnh đạo Việt Nam bảo thủ, không ký hiệp định quân sự với Mỹ để bảo vệ biển đảo như Philipin, Hàn Quốc đã làm; rồi tỏ ra am hiểu quân sự khi đề nghị cho các nước lớn thuê cảng Cam Ranh để tạo thế phòng thủ bờ biển… Nói tóm lại là phải bắt tay với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Nghe ra cũng có lý, nhưng người ta quên hoặc cố tình quên về quá khứ mà Việt Nam đã từng nếm trải, đến tương lai lệ thuộc quân sự dẫn đến mất độc lập quốc gia như một số nước hiện nay đang mắc phải.
Biển Đông là vùng có vị trí chiến lược về quân sự, con đường hàng hải sôi động bậc nhất các biển trên thế giới. Có chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu kiểm soát được Biển Đông sẽ chi phối 60 đến 70% giao thương kinh tế thế giới. Biển Đông còn được ví như "rốn dầu mỏ" với tiềm năng cực lớn, trữ lượng chưa được thăm dò đầy đủ, ước tính khai thác hàng trăm năm. Theo Luật Biển quốc tế quy định thì Việt Nam sở hữu 29% diện tích Biển Đông, nên cũng là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng địa chính trị của những vấn đề quốc tế nhạy cảm. Không phải ngẫu nhiên khi mà Trung Quốc xây dựng bồi đắp, đưa vũ khí ra các đảo ở Trường Sa chiếm giữ trái phép của Việt Nam thì một số nước lớn đã phản đối quyết liệt, đưa tàu tuần tra vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.Nguyên nhân chính là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra để tuyên bố chủ quyền với tham vọng lãnh hải không tôn trọng phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2016. Nhưng một nguyên nhân không kém phần quan trọng là vì động chạm quyền lợi nhiều mặt của các nước lớn, nên những tuyên bố và đe dọa dùng vũ lực trên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc là điều dễ nhận thấy.
Việt Nam có chủ quyền rất lớn trong diện tích Biển Đông với vùng biển có trữ lượng dầu mỏ tiềm năng, kiểm soát một phần đường hàng hải, hàng không quốc tế. Trung Quốc lại đang muốn vươn lên làm chủ số 1 thế giới nên đã có nhiều động thái thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, làm các nước lớn không đồng tình. Đó là lý do tại sao các nước lại đứng về phía Việt Nam khi lên tiếng giải quyết tình hình phức tạp trên Biển Đông.
Việt Nam hiện nay được thế giới đánh giá cao về vị thế chính trị, chính nghĩa trong quan hệ quốc tế, tiềm lực kinh tế, quân sự đã được nâng cao so với hơn 40 năm về trước. Bên cạnh tăng cường tiềm lực quốc phòng, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Chính sách quân sự nói chung và giải quyết tranh chấp trên biển được thể hiện trong các phương châm hết sức đúng đắn. Trong đó tránh xung đột về quân sự, tránh lệ thuộc chính trị, không liên minh quân sự với nước ngoài, không nổ súng trước, không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo… được thực hiện hết sức linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng đầy ý chí kiên quyết, khôn khéo. Điều đó không có nghĩa là hữu khuynh, nhu nhược mà hết sức chủ động để giữ được hòa bình cho phát triển đất nước.
Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhưng không thể trông chờ các nước đem quân đội, vũ khí đến chống xâm lược thay cho Việt Nam. Những kẻ thiếu hiểu biết không thể núp sau bàn phím hô hào mà không có trách nhiệm và hành động thiết thực đồng hành cùng dân tộc.Chúng ta tin tưởng vào bàn tay chèo lái của Đảng, Nhà nước ta như đã từng lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
PHƯỚC KHÁNH