ClockThứ Bảy, 02/08/2014 16:29

Chăm cồn, giữ rú

TTH - Mở mạng thấy hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có thêm một khu bảo vệ thủy sản được thành lập và là khu bảo vệ thủy sản thứ 15 nghe cái tên hay hay: Cồn Máy Bay (Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền). Phone ngay cho thằng bạn học là thổ địa phá Tam Giang ở ngay bến đò Vĩnh Tu và được biết: dân gian gọi là Cồn Máy Bay vì thời chiến tranh, một chiếc máy bay bị rơi xuống ngay khu vực này.

Mừng được giữ gìn tạo thành vành đai bảo vệ ở Phong Bình. Ảnh: Tuệ Ninh

Có lần lên đò theo mấy bác ngư dân ở thôn 8 - xã Điền Hải - Phong Điền ra thăm Cồn Cát, một trong những khu bảo vệ thủy sản đầu tiên của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Ngày đẹp trời phá Tam Giang trong vắt, có thể nhìn thấy những đám rong chao lượn và những đàn cá nhỏ bơi theo con nước dưới đáy phá. Mình rất thích câu ví von của một bác ngư dân: “Đây là bệnh viện phụ sản của các loài tôm cá. Chúng nó tha hồ sinh sôi nảy nở ở đây mà không bị bất cứ yếu tố nào của con người tác động…”.

Câu chuyện về thủy sản trên phá theo ký ức của mấy “lão ngư tri thủy” trôi về những năm xa, khi mà tình trạng khai thác thủy sản chưa rầm rộ, chưa tinh vi đến mức hủy diệt đến cạn kiệt như những năm vừa qua. Một người kể: “Làm nghề trên phá sướng nhất vẫn là những trận lụt đầu mùa…Khi nước phá bắt đầu dâng cao, chúng tôi đánh thuyền ra đổ nò. Chao ơi, nò mô nò nấy đầy ắp con chình, con lệch…Những đặc sản bây giờ là của hiếm đối với bầy tui hồi đó ăn không ngạ mỗi mùa mưa chứ chưa nói đến mấy loại cá phổ biến của phá Tam Giang như cá dìa, cá đối, cá kình…”. Rồi một người khác chen vô: “Hồi mới có chủ trương giải tỏa bớt nò sáo, dẹp bỏ mấy loại ngư cụ đánh bắt hủy diệt có mấy người trong thôn tỏ vẻ không hài lòng vì cho rằng mất mối làm ăn. Tui nói ngay: Lâu ni tự mình đập bỏ nồi cơm của mình mà không biết… Cá tôm ngày một ít dần là vì răng? Mà chuyện khai thác bừa bãi là mới phát sinh sau ni, hồi trước có quy định rõ ràng, mặt nước chỗ mô người ở đó khai thác…”.
Số khu bảo vệ thủy sản trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là 15, với tổng diện tích được bảo vệ hơn 430 ha (khoảng 2% diện tích đầm phá), một con số còn nhỏ nhoi nhưng cũng đã thay đổi được nhận thức của nhiều ngư dân trong việc khai thác thủy sản thân thiện với môi trường. Chuyện thả cá giống về với phá thực hiện thường xuyên ở các khu bảo vệ thủy sản cũng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
Cũng ở vùng đất Ngũ Điền, những người dân làng Vĩnh Xương, xã Điền Môn (Phong Điền) rất tự hào về khu rú của làng mình. Sau cơn bão năm 1985, chính quyền địa phương đã đề ra chủ trương giữ rú cho làng, nghiêm cấm người dân chặt cây để làm chất đốt. Đây cũng là quy ước trong xây dựng làng văn hóa. Người dân ở đây đã thực hiện rất tốt quy ước này. 68 ha rừng tự nhiên trên rú cát của vùng quê này bây giờ cây đã cao từ 5m-7m. Người dân ở đây ví rú cát của làng quê mình là lá phổi xanh của làng chống nắng, chống gió và mưa lụt; rú cát còn là nơi chim chóc thường về trú ẩn trong mùa đông. Ông Nguyễn Công Phú, người dân làng Vĩnh Xương kể: “Những năm đầu hợp tác xã và làng có trích lúa để chi cho những người bảo vệ rú. Nhưng những năm trở lại đây, khi ý thức của người dân được nâng cao thì chúng tôi không cần người bảo vệ rú nữa. Tuyệt nhiên không có một ai bẻ trộm cây làm chất đốt hay sử dụng vào các mục đích khác…”. Ngày trước mùa hè không ai dám đi qua trảng cát mênh mông của vùng quê ven biển này; tưởng chừng sẽ chẳng có loại cây nào mọc nổi ở vùng cát trắng và nóng. Bây giờ, với những khu rừng xanh trên cát, làng Vĩnh Xương đã có thể yên tâm không còn phải đối phó với nạn cát bay, cát lấp ảnh hưởng đến đời sống của người dân; tạo điều kiện về cảnh quan để phát triển du lịch ven biển và kinh tế trang trại trên cát…
Thực ra câu chuyện chăm cồn trên phá hay giữ rú trên cát đã được người xưa thực hiện nghiêm túc bằng luật lệ rõ ràng. Ai vi phạm bị phạt rất nghiêm. Nhận thức “ăn xổi” đã phá vỡ những quy ước văn minh đó. Phải chăng, cùng với những khu bảo vệ thủy sản trên phá, các ban ngành chức năng cũng cần nghiên cứu đến việc thành lập những khu bảo vệ cây xanh trên hệ thống bờ cát dài trải dọc các địa phương ven biển, ven phá.
Thanh An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên sóng Trường Sa

Đầu sóng gian nan, có những thẳm sâu yêu thương, nghĩa tình, trách nhiệm, làm nên một thành trì Trường Sa vững chãi, để những đoàn thuyền ngày đêm bám biển yên vui làm ăn, phát triển kinh tế. Và đất liền ấm êm những mái nhà…

Trên sóng Trường Sa
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Kiên cường chiến sĩ Trường Sa

Nơi đầu sóng, có biết bao chiến sĩ hải quân đang hi sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường cầm chắc tay súng, để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc.

Kiên cường chiến sĩ Trường Sa
Thu hoạch lúa giúp người dân biên giới

Ngày 28/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt phối hợp với Xã đoàn Lâm Đớt (A Lưới) thực hiện Chương trình “Ngày về thôn bản”; tổ chức các hoạt động giúp dân; thu hoạch vụ lúa đông xuân cho hộ gia đình ông Hồ Văn Tim và 3 hộ gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt.

Thu hoạch lúa giúp người dân biên giới
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Return to top