ClockThứ Ba, 16/05/2023 14:32

Hiệu quả kép từ mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”

TTH - “Đàn ngan khăn quàng đỏ” là mô hình mang ý nghĩa, hiệu quả kép mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đang thực hiện, nhân rộng, giúp người dân biên giới vươn lên.

“Dấu ấn” bộ đội biên phòng ở khu vực biên giớiXây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc Nâng cao nghiệp vụ cán bộ tăng cường phát triển kinh tế - xã hội

leftcenterrightdel
Hỗ trợ con giống cho các hộ khó khăn xã Phú Thuận 

Bây giờ mỗi lúc đi nương rẫy về, ngang qua nhà vợ chồng chị Hồ Thị Mậu bên bờ con suối, người dân thôn A Đeng 2, xã Trung Sơn thường nán lại ngắm đàn ngan đang lớn lên từng ngày. Lứa ngan mỗi con tầm 1,5kg; chỉ chừng tháng nữa là có thể xuất bán. Nhìn cảnh vợ chồng chị Mậu người băm chuối, người trộn cám; đứa con trai nhỏ đang học cấp tiểu học, phụ giúp cha mẹ thay nước cho đàn ngan, ai nấy đều nở nụ cười vui vẻ.

Cách đây gần 3 tháng, người dân thôn A Đeng 2 vui mừng vì gia đình chị Mậu là 1 trong 30 hộ khó khăn trong thôn, có con đang ở độ tuổi đi học, được BĐBP Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân hỗ trợ ngan giống. Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, các hộ được hỗ trợ mỗi hộ từ 100 đến 150 ngan giống trong mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”.

Theo Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên Đồn BPCK Hồng Vân, đồng hành cùng người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, thời gian qua, lực lượng BĐBP trong toàn tỉnh nói chung, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nói riêng đã có nhiều mô hình hiệu quả giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

“Giúp các hộ khó khăn con giống, là một trong những mô hình hiệu quả, không còn mới. Nhưng cái mới của mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” là việc chọn các hộ khó khăn, có con, cháu trong độ tuổi đi học, để các cháu được làm quen và thực hành lao động. Thông qua việc phụ giúp cha mẹ những công việc phù hợp lứa tuổi, chăm sóc đàn ngan, các cháu được rèn luyện kỹ năng sống, tình yêu đối với lao động. Đó chính là một trong những yếu tố “gốc rễ” để sau này thế hệ tương lai trên dải đất biên giới phát huy có hiệu quả sức trẻ, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời xây dựng quê hương” - Thượng tá Trần Văn Tuyển chia sẻ.

Nụ cười phấn khởi khiến những nếp thời gian trên gương mặt sạm sương nắng của ông Cu Đôm giãn ra. Ông Cu Đôm bộc bạch, gia đình đã có kinh nghiệm nuôi gà. Nay được BĐBP hỗ trợ 100 ngan giống, gia đình cố gắng chăm sóc thật tốt; sau khi xuất bán sẽ quay vòng vốn, tiếp tục phát triển chăn nuôi....

Niềm vui nhân đôi khi đứa cháu trai đang học tại Trường tiểu học Bắc Sơn, chăm chỉ phụ giúp gia đình chăm sóc đàn ngan. Ông Cu Đôm phấn khởi: “Mừng hơn nữa, từ khi phụ chăm sóc ngan, cháu ngoại tôi có ý thức, tự chủ động làm nhiều việc vặt khác”.

Khi kết nối mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hồng Vân “mở rộng” kết nối thêm được 6 lợn giống. Gia đình anh Lê Quang Nhân và gia đình chị Hồ Thị Nối là những hộ được hỗ trợ lợn giống (trong đó hộ anh Nhân 2 lợn giống và hộ chị Nối 4 lợn giống). “Không phụ tình cảm, tâm huyết của BĐBP, gia đình anh Nhân đã rất “chăm chút” trong việc chăm sóc cặp lợn. Người anh ruột có cơ sở xay xát, nên anh Nhân có nguồn thức ăn đảm bảo cho vật nuôi. Chỉ tầm hai tháng rưỡi, nhưng mỗi lợn giống bây giờ đã 25kg. 4 lợn giống của gia đình chị Hối cũng nhanh lớn như vậy” - Thượng úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn BPCK Hồng Vân cho biết.

Điều mừng nhất chính là hiệu quả của mô hình và niềm tin của người dân dành cho BĐBP. “Trước đây, thôn A Đeng 2 thuộc xã Bắc Sơn (không phải là xã biên giới). Từ khi xã Bắc Sơn sáp nhập với xã Hồng Trung (xã biên giới) thành xã Trung Sơn (xã biên giới), người dân A Đeng 2 biết đến sự kề vai sát cánh của BĐBP thông qua các chương trình giúp dân giảm nghèo, phát triển kinh tế; giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; giúp dân xây dựng nhà mái ấm nơi biên giới… Chúng tôi hiểu, tất cả những điều BĐBP làm đều mang đến điều tốt đẹp cho cuộc sống của bà con” - ông Hồ Văn Thi, Trưởng thôn A Đeng 2 chia sẻ.

Vậy nên, nhiều hộ không thuộc diện được hỗ trợ cũng bắt tay thực hiện mô hình nêu trên, để vừa phát triển kinh tế, vừa “gieo trồng” kỹ năng, tinh thần và tình yêu lao động cho thế hệ tương lai. Thấy được ý nghĩa và hiệu quả ban đầu, mới đây, Đồn BPCK cảng Thuận An đã “nối dài” mô hình về khu vực biên giới biển. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Thuận An đã phối hợp chính quyền địa phương và Trường THCS Phú Thuận, Trường tiểu học Phú Thuận hỗ trợ vịt giống trong mô hình “Đàn vịt khăn quàng đỏ” cho 15 hộ khó khăn, có con đang ở độ tuổi đi học.

“Khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn, nhận thấy người dân khu vực này nuôi vịt phù hợp và hiệu quả hơn, do đó chúng tôi thống nhất với mạnh thường quân hỗ trợ vịt giống. Người dân rất phấn khởi khi được hỗ trợ, đồng thời đang nỗ lực chăm sóc tốt đàn vịt” - Trung úy Cao Đức Anh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn BPCK cảng Thuận An bộc bạch.

Theo Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, mô hình mới này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả “kép” vừa giúp người dân trên hai tuyến biên giới giảm nghèo, phát triển kinh tế, vừa giúp rèn luyện ý thức và tình yêu lao động trong thế hệ trẻ.  

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH (15/12/1964 – 15/12/2024)
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu

Xây dựng Đảng bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh trong sạch, vững mạnh (TSVM) tiêu biểu là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng, có tính nguyên tắc, chủ đạo trong tình hình mới. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đơn vị nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu
Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

Với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1995 ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình “hệ sinh thái” tuần hoàn với nhiều sản phẩm đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

TIN MỚI

Quà tặng doanh nghiệp BrandVision Quà tặng thuyền buồm mạ vàng Golden GiftGiá Glenfiddich 21 full VATDịch vụ quà tết doanh nghiệp uy tínTìm hiểu trống đồng quà tặng lưu niệm in tập học sinh
Return to top