Tuyên truyền về tự quản đường biên, cột mốc cho tổ tự quản ở Hồng Vân. Ảnh: Hồ Việt
Theo chân những người lính biên phòng cùng cán bộ Tư pháp xã Hồng Trung (A Lưới) trong chuyến tuyên truyền pháp luật cho người dân ở thôn A Niêng, mới thấy đồng bào đã quan tâm hơn về vấn đề an ninh biên giới. Nội dung tuyên truyền vừa kết thúc, có người dân hỏi về việc cán bộ biên phòng sử dụng xe của bà con để truy bắt đối tượng buôn bán ma túy đúng hay sai? Không kịp để các chiến sĩ biên phòng trả lời, già làng Quỳnh Nghề nói ngay: "Bà con mình nhanh quên thật, lâu nay mình vẫn được tuyên truyền về pháp luật, mà đặc biệt là Pháp lệnh BĐBP ngày nào ta cũng sử dụng mà lại quên. Điều 13 Pháp lệnh ghi rõ là: “Trong trường hợp chiến đấu truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân;… Nếu phương tiện bị hư hỏng hoặc bị mất thì cơ quan, đơn vị sử dụng phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Lời giải thích của già làng Quỳnh Nghề vừa dứt, cả ngôi nhà Rông rền vang tiếng vỗ tay. Điều làm tôi thấy thú vị, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đó là sự hiểu biết một cách tường tận của đồng bào dân tộc Pa Cô về nội dung của Pháp lệnh BĐBP. Và cách mà cán bộ biên phòng vận dụng tuyên truyền Pháp lệnh cho bà con cũng rất ấn tượng, bằng những câu chuyện, ví dụ dí dỏm trong cuộc sống hàng ngày.
Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung cho biết, để đồng bào nhớ lâu và hiểu được thì phải tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, khi có những vấn đề liên quan đến Pháp lệnh thì phải dẫn chứng để đồng bào thấy và làm theo.
Thượng tá Vũ Văn Hữu, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân khẳng định: Qua 20 năm triển khai Pháp lệnh BĐBP và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, ý thức chấp hành quy chế khu vực biên giới, quy chế cửa khẩu biên giới đất liền của các cơ quan, đơn vị, nhất là Nhân dân ở khu vực biên giới huyện A Lưới được nâng cao. Qua đó, tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Đồng bào các dân tộc trên biên giới tin tưởng cán bộ chiến sĩ biên phòng, nên tác động tích cực đến việc xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: Cụm biên phòng tuyến A Lưới đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Pháp lệnh BĐBP phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Với phương châm xây dựng "lũy thép biên phòng toàn dân”, lấy Pháp lệnh BĐBP làm nền tảng, UBND huyện đã ra quyết định thành lập 46 tổ tự quản, với hơn 1.450 hộ gia đình tham gia phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản biên giới”. Ngoài ra, địa phương huy động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu các xã biên giới và kết nghĩa với các đơn vị biên phòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, ANTT khu vực biên giới, góp phần xây dựng, củng cố phòng tuyến Nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Bá Trí - Hồ Việt