Chỉ cần giấy tờ làm tin
Th., một hướng dẫn viên du lịch không chuyên hé lộ với tôi rằng khách du lịch nước ngoài hay bất cứ ai đến thuê xe máy chỉ cần để lại hộ chiếu, chứng minh Nhân dân hoặc một loại giấy tờ gì đó làm tin. Dịch vụ cho thuê xe máy xuất hiện ở khắp các khách sạn hay vỉa hè. Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh dịch vụ này được cấp phép thì đa số đều kinh doanh… chui. “Tại Đà Nẵng, nếu du khách nước ngoài muốn thuê xe cần phải có bằng lái xe mô tô quốc tế nhưng ở Huế thì chẳng ai đòi hỏi loại giấy tờ này. Khi khách có nhu cầu thuê xe, các khách sạn nơi họ lưu trú sẽ gọi cho đầu mối kinh doanh dịch vụ này chuyển xe đến tận nơi, không cần giấy tờ. Nếu tụi mình dẫn khách nước ngoài đến chỗ nào đó thuê xe thì sẽ được hoa hồng từ 50-100.000 đồng”, một hướng dẫn viên du lịch khoe.
|
Khách du lịch nước ngoài đến hỏi thuê xe máy |
Qua trao đổi, ông Lê Thế Bính, Chánh Thanh tra giao thông – Sở Giao thông Vận tải cho biết, đối với khách ngoại quốc đến làm việc, học tập tại Huế có thời hạn thì họ đưa bằng lái quốc gia nơi mình sinh sống đến Sở để xin cấp giấp phép điều khiển xe ô tô, mô tô tạm thời. Sở dựa vào hộ chiếu có thời hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm (tùy theo từng trường hợp) để cấp giấy phép tạm thời. Còn đối với những khách du lịch hay Tây “ba lô” đến Huế một vài ngày hầu hết họ không đến đơn vị để đăng ký cấp giấy phép lái xe tạm, những trường hợp này vẫn điều khiển xe là sai quy định.
Quay trở lại câu chuyện với Th., trong lúc trò chuyện, hai khách du lịch người Đức hốt hoảng chạy đến với nhiều vết thương ở chân nhờ Th. chở đi bệnh viện băng bó. Hỏi mới biết, hai người vừa điều khiển xe máy bị tai nạn. Hai vị khách này thuê một chiếc xe máy với giá 400.000 đồng đi Hội An (Quảng Nam) mặc dù chẳng ai trong số họ có bằng lái xe mô tô quốc tế và sự am hiểu về luật giao thông ở Việt Nam là con số 0. “Mình đi cùng chuyến với họ. Thuê xe, họ tự lái nhưng không quen với việc điều khiển xe máy nên khi đi với tốc độ cao, qua khúc cua vì bóp phanh quá mạnh nên xảy ra tai nạn”, một người bạn đồng hành của hai vị khách người Đức kể.
Để tìm hiểu về dịch vụ cho thuê xe máy, chúng tôi đến vỉa hè đường Lê Lợi, đối diện khách sạn Century với nhã ý cần thuê một chiếc xe máy cho người thân ở nước ngoài lái để tham quan du lịch. Bà L., chủ dịch vụ này ở vỉa hè đon đả chào mời. Quan sát của chúng tôi, những chiếc xe ở đây đều cũ kỹ, bong tróc. “Tôi cần thuê một chiếc xe máy, giá bao nhiêu?”, tôi hỏi. Bà L. liền đáp: “Giá mỗi ngày 100.000 đồng, thích chạy đi mô cũng được”. Khi tôi trình bày, người thân không có bằng lái xe và nếu bị công an bắt phạt thì phải làm thế nào, chất lượng xe có đảm bảo hay không?, bà L. trấn an: “Nếu xe nổ lốp thì tự vá còn hỏng hóc máy thì gọi điện thoại cho tui, tui cho người tới sửa. Khách nước ngoài thuê ở chỗ tui nhiều lắm. Nếu bị công an bắt giữ tui sẽ có cách xử lý".
Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi yêu cầu phải có giấy tờ, bà T. (chồng bà L.) xua tay: “Chỉ cần chạy xe cẩn thận, không đi ngược chiều, vượt đèn đỏ thì công an không bắt mô. Giấy tờ lấy làm chi. Nếu công an có bắt dù ở mô cứ gọi cho tui. Anh đưa giấy chứng minh đây, không cần hợp đồng. Nếu anh cần giao xe đến tận nhà, chỉ cần gọi điện thoại, tui sẽ cho người mang đến”. “Tui kinh doanh đã 15 năm không cần giấy phép. Thời gian trước, khách nước ngoài thuê nhiều, xe luôn trong tình trạng “cháy”. Nhưng hiện nay, các khách sạn đều có mở dịch vụ ni nên khách có phần giảm", ông T. kể.
Theo thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Huế nói, kinh doanh cho thuê xe máy không thuộc lĩnh vực “kinh doanh có điều kiện” nên lực lượng công an chỉ xử lý hành vi vi phạm trên đường.
Bỏ ngỏ chất lượng
Mang chiếc xe máy vừa thuê ở vỉa hè đường Lê Lợi đến cửa hàng xe máy ở đường Nguyễn Huệ nhờ nhân viên kiểm tra chất lượng của xe, anh nhân viên bảo: “Xe này đời cũ quá rồi, phanh không ăn, cổ bị rơ, lốp xe cần thay mới. Nếu muốn sửa phải mất nhiều thời gian”. “Xe này lưu thông trên đường có đảm bảo an toàn hay không?”, tôi hỏi. Anh nhân viên trả lời: “Nếu chạy chậm, xung quanh thành phố thì được chứ chạy xa thì xe này không đảm bảo, dễ hư hỏng dọc đường”.
|
Du khách người Đức bị thương ở chân sau một vụ tai nạn xe máy |
Những năm gần đây, mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng nhiều du khách đã bị tai nạn, thậm chí mất mạng vì điều khiển những chiếc xe được thuê ở các dịch vụ cho thuê dọc đường, không đảm bảo chất lượng. “Khách du lịch nước ngoài bị tai nạn nguyên nhân là họ không quen với việc điều khiển xe máy ở Việt Nam và không nắm được luật giao thông ở nước ta. Bên cạnh đó, những chiếc xe cho thuê đều thuộc đời cũ; các bộ phận như phanh, lốp, đèn thường quá hạn sử dụng, không đảm bảo độ an toàn. Gần đây, có một khách du lịch người Nhật vì thuê xe tự lái và đã tử nạn gần lăng Minh Mạng, phía chủ cửa hàng phải bồi thường gần 100 triệu đồng. Còn những trường hợp bị tai nạn, trầy xước thì rất nhiều. Có trường hợp xe của du khách bị hư dọc đường, họ đành vứt xe đi bộ”, Th. chia sẻ.
Về vấn đề chất lượng xe máy, Ông Lê Thế Bính, thừa nhận, lâu nay chỉ mới dừng lại ở đăng kiểm ô tô, chất lượng xe máy vẫn chưa được cơ quan nào kiểm định, trong khi đó, dịch vụ cho khách du lịch cho thuê máy vẫn cứ mặc nhiên kinh doanh. Khách nước ngoài đến thuê xe, khi lưu thông trên đường nhiều vụ tại nạn đã xảy ra đó là chưa nói đến việc các vị khách Tây vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý người nước ngoài vi phạm điều khiển xe máy vi phạm không hề đơn giản do vấn đề bất đồng ngôn ngữ, "Chúng tôi chỉ xử phạt những trường hợp vi phạm tai nạn giao thông nghiêm trọng”, thượng tá Lê Văn Sơn chia sẻ.
"Thời gian tới, Ban Chỉ huy Công an TP Huế chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tuần tra kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Có biện pháp xử lý nghiêm những người nước ngoài không có giấy phép lái xe mượn hoặc thuê xe máy làm phương tiện đi lại. Đồng thời, đề xuất giải pháp siết chặt các cơ sở cho người nước ngoài thuê xe máy", theo thượng tá Lê Văn Sơn
|
Thọ - Bình