* Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc yêu cầu giải trình từng trường hợp cụ thể
Bỗng dưng bị gạch tên
Kết quả niêm yết danh sách sẽ nhận được hỗ trợ do sự cố môi trường biển theo Công văn 6851/BNN-TCTS ngày 12/8 và Công văn 7433/BNN-TTCTS hướng dẫn bổ sung ngày 1/9 tại xã Lộc Vĩnh, trong 4 thôn thì 3 thôn Cảnh Dương, Bình An 1 và Bình An 2, người dân khá hài lòng, riêng tại thôn Phú Hải, nhiều hộ dân tỏ ra bất bình về cách kê khai của chính quyền và càng nỗi niềm hơn khi trong danh sách họ không có tên.
Ngư dân Lộc Vĩnh đưa thuyền lên bờ để sửa chữa
Thời điểm chúng tôi có mặt tại thôn Phú Hải (ngày 17/9), nhiều hộ cùng đến phản ánh rằng họ có làm nghề biển, được trưởng thôn và vạn trưởng xác nhận nhưng khi lên xã lại bị gạch tên. Anh Nguyễn Văn Qua nói: “Tôi có chiếc gọ công suất 24CV, để hoạt động trên biển, chiếc gọ tôi cần 4 lao động, ngoài hai bạn thuyền thì cả vợ chồng tôi cùng tham gia đánh bắt. Nhưng khi cán bộ đến kê khai bảo không đưa hai bạn thuyền vào, chỉ đưa vợ chồng tôi. Ban đầu tôi đồng ý, nhưng cách đây mấy hôm, UBND xã thông báo chỉ tôi được nhận còn vợ bị gạch tên khỏi danh sách”.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngà và chị Hoàng Thị Thế Hải cho rằng anh chị cùng làm nghề biển gần chục năm, trong thôn ai cũng biết, nhưng lại không được đưa vào danh sách. Chị Thế khẳng định: “Tôi làm nghề biển bà con làng xóm ai cũng biết. Vợ chồng tôi đánh bắt bằng lừ xếp. Mấy anh xem sao chứ dù một người tài giỏi đến mấy cũng không thể tự lái gọ công suất 24 CV và thả lừ được. Chắc chắn phải có người đi cùng. Lâu nay, vợ chồng tôi không thuê bạn thuyền, chỉ vợ chồng cùng đi. Tại sao tôi lại không có tên trong danh sách hỗ trợ?”.
Ngoài vợ có đi đánh bắt không được đưa vào, thêm một nguyên nhân phản ánh của người dân nữa là lao động trên thuyền cũng không được đưa vào danh sách nhận hỗ trợ. Ông Trương Công Minh cho hay, ông có 3 người con, một người 23 tuổi, người 21 tuổi và người 19 tuổi. Ông khẳng định, 3 người con đều có tham gia đi biển, nhưng đều không được đưa vào danh sách. “Tôi thấy vô lý ở chỗ là người kê khai bảo con tôi đã vào TP. Hồ Chí Minh làm việc nên không đưa vào danh sách. Nhưng, trước đó cha con tôi đều làm nghề biển, do biển gặp sự cố con tôi mới đi làm ăn xa, thời gian đi cũng sau khi biển gặp sự cố”, ông Minh nói.
Lạm quyền?
Trong những phản ánh của người dân thôn Phú Hải đều có liên quan đến ông Trương Công Thái, xã đội phó, cán bộ được phân công trực tiếp đi kê khai tại thôn Phú Hải. Theo người dân, quá trình kê khai, ông Thái đã tự động gạch tên nhiều người khi chưa đưa ra hội đồng kê khai, dù trưởng thôn và trưởng vạn có đề xuất đưa vào danh sách. Anh Nguyễn Anh Nhân nói: “Khi có danh sách niêm yết, ông Thái có mang một tờ giấy khai không có tên vợ tôi đưa cho tôi ký vào. Tôi không chịu và yêu cầu ông Thái giải thích thì ông “lơ” và bảo nếu vợ tôi không ký thì cả tôi cũng không được đưa danh sách”.
Người dân thôn Phú Hải bày tỏ với PV khi không được đưa vào danh sách hỗ trợ
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Ba, vạn trưởng thôn Phú Hải khẳng định: “Khi kê khai danh sách có đưa về tôi ký và xác nhận. Tôi là người trong thôn, cùng tham gia nghề biển với bà con nên tôi biết ai thực đi biển, ai không. Nhưng khi tôi xác nhận rồi ông Thái lại gạch đi. Nhiều người đi làm thực sự không được, nhưng nhiều người không bằng, lại được đưa vào là điều hết sức bất công”.
Sau khi nghe phản ánh của người dân, chúng tôi liên lạc với ông Trương Công Thái bằng điện thoại nhưng không thể gặp được.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thừa nhận: “Do kê khai và lập danh sách quá nhanh, chỉ trong vòng 5 ngày nên có xảy ra một số sai sót. Ngay trong tuần sau, tôi sẽ về thôn Phú Hải để gặp và giải thích cho người dân biết vì sao họ không được đưa vào danh sách”. Riêng trường hợp của ông Trương Công Thái, ông Minh khẳng định sẽ kiểm tra lại và sẽ có hình thức xử lý nếu cán bộ làm sai.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: “Huyện có nhận được 6 thư phản ánh của người ở xã Lộc Vĩnh. Huyện đã yêu cầu xã Lộc Vĩnh giải trình từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi giao trách nhiệm cho Đảng ủy, UBND xã Lộc Vĩnh kiểm tra lại toàn bộ, nếu trường hợp nào đúng mà chưa được đưa vào thì bổ sung cho bà con. Vì thời gian ngắn, đối tượng rộng nên không thể tránh sai sót, tỉnh cũng cho phép điều chỉnh, bổ sung thêm. Còn trường hợp một cán bộ mà người dân phản ánh “lạm quyền” thì huyện kiểm tra, nếu đúng như thế sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm”.
Mấy ngày qua, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh tình trạng người dân xã Quảng Công (Quảng Điền) phản ánh do thống kê đền bù thiệt hại bị thiếu sót đối tượng. Tuy nhiên, qua trao đổi ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công khẳng định, địa phương đã thống kê các đối tượng đưa vào diện đền bù đảm bảo công bằng, đúng quy định. Tất cả 167 thuyền gắn máy, không gắn máy của người dân và các lao động trên thuyền đều được thống kê đền bù. Trên địa bàn xã còn có 62 hộ chế biến, kinh doanh nước mắm và một số hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm cũng được đưa vào diện bồi thường thiệt hại.
Hoàng Thế
|
Đức Quang - Lê Thọ