Huế có cảnh quan thiên nhiên thuộc hàng hiếm
Tại sao Huế lại khác biệt là một câu hỏi đáng tự hào đối với người dân Huế nói riêng? Nếu Huế không có những khác biệt thì khó có thể để nhận được những ghi nhận. Những yếu tố nổi trội nhất của Huế có lẽ là lịch sử hình thành và phát triển, bề dày văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.
Với 700 năm hình thành và phát triển đô thị Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, Huế vinh dự trở thành một kinh đô cổ – Cố đô Huế. Điều này không phải dành cho bất cứ nơi nào. Trong quá trình phát triển ấy đã tạo ra những vỉa tầng văn hóa cả vật thể và phi vật thể đặc biệt. Cùng với những giá trị văn hóa gắn với cung đình thì trong quá trình phát triển, Huế cũng sản sinh ra những tín ngưỡng văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Hầu như không vùng đất nào, từ vùng núi, đồng bằng đến ven biển đều có những lễ hội như vậy. Nó gắn với phong tục tập quán, đời sống và sản xuất. Miền núi thì có lễ hội cầu mùa, cúng cơm mới; đồng bằng thì có lễ hội đua ghe, vật, đu tiên; vùng ven biển có lễ hội cầu ngư… Huế cũng là nơi đại diện cho nhiều trung tâm - trung tâm văn hóa; trung tâm giáo dục và đào tạo; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm du lịch dịch vụ và bây giờ đang phấn đấu xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ. Đã là trung tâm cho nên nó có sức mạnh quy tụ, lan tỏa. Ngay như hệ thống văn hóa Phật giáo cũng đã là một nét tiêu biểu của Huế.
Và cũng chính nhờ vị trí địa lý và quá trình xây dựng qua nhiều thế hệ, Huế có một cảnh quan thiên nhiên thuộc hàng hiếm có. Sông Hương thì quá nổi tiếng rồi, là vì nó đẹp. Huế còn chứa đựng trong mình nhiều hệ sinh thái đặc biệt mà hệ sinh thái vùng đất ngập mặn Tam Giang - Cầu Hai với 22.000 héc ta, rộng nhất Đông Nam Á thuộc hàng của hiếm. Giữa miền Trung nắng cháy thì Huế được “cân bằng” bởi một vùng tiểu khí hậu ôn đới là Bạch Mã, đã trở thành rừng Quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt. Huế cũng được “tắm mát” giữa mùa nắng cháy bởi hệ khí hậu ven biển kéo dài suốt chiều dài của tỉnh. Biển miền Trung là biển đẹp với dòng nước trong xanh và nhiều ghềnh đá trườn mình ra biển, biển của Huế là biển đẹp của miền Trung…
Chính những giá trị này đã tạo cho Huế một sự chú ý, cũng đặc biệt chẳng kém! Những giá trị nêu trên có lẽ chính là lý do để Trung ương ban hành một cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế. Để Huế có một nguồn lực mạnh hơn về tài chính dành cho việc bảo tồn và phát huy mạnh mẽ hơn những giá trị hiện có. Nói gì thì nói, không có nguồn lực tài chính, hoặc là như “múa gậy trong bị” hoặc là từng bước đi sẽ chậm hơn. Giờ thì một phần đòn bẩy tài chính Trung ương đã trao cho Thừa Thiên Huế. Cụ thể đòn bẩy tài chính này là như thế nào?
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, chúng ta sẽ được hưởng về một số đòn bẩy tài chính khi là trần nợ vay được mở rộng. Trung ương nhất trí cho Thừa Thiên Huế được áp dụng trần nợ vay tối đa là 40% (trước đây chỉ 20%), tính ra trần vay có thể đạt đến 2.587 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp tỉnh tính toán huy động nguồn lực ODA và các nguồn vay khác để thúc đẩy thực hiện kế hoạch đầu tư công. Một số cơ chế khác cũng bổ sung thêm nguồn vốn đáng kể cho tỉnh như tăng tỷ lệ phần trăm từ định mức chi thường xuyên, từ hoạt động xuất, nhập khẩu, từ hoạt động thu vé tham quan du lịch (45% tính theo định mức dân số khi xây dựng mức chi thường xuyên; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% từ hoạt động xuất, nhập khẩu, được sử dụng 100% tiền thu vé tham quan).
Và có một nguồn bổ sung vốn đầu tư công quan trọng nữa là từ khoản bán tài sản công gắn liền trên đất. Với giá đất như hiện tại và đặc biệt là ở những vị trí đất vàng của Huế, nếu chuyển quyền sử dụng thành công chúng ta sẽ có một nguồn lực không hề nhỏ. Về khoản này, khi bán được 10 đồng tỉnh sẽ được bổ sung cho chi đầu tư công 5 đồng.
Tính tất cả các nguồn trong việc ưu tiên cho Thừa Thiên Huế từ cơ chế đặc thù, chúng ta sẽ có một nguồn lực tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Đầu tư công hiệu quả nó sẽ tạo ra các hiệu ứng: nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, từ đó sẽ có những tác động thuận lợi hơn cho hoạt động kinh tế cũng như dân sinh. Cũng từ đây, nó sẽ thu hút được một nguồn vốn lớn hơn từ đầu tư tư nhân (kể cả trong tỉnh, trong nước và nước ngoài), tức là nó có sức lan tỏa ra cả nền kinh tế.
Điều đáng vui là, trong vài năm gần đây nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đã chú ý đến Huế nhiều hơn và Thừa Thiên Huế cũng đã bắt tay ký kết hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn kinh tế có tầm cỡ, như FLC, VNPT, Viettravel, Vạn Phú – Invest, Sovico Holding… Ở các khu và cụm công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư tư nhân vẫn tiếp tục đăng ký đầu tư mới và đăng ký tăng thêm vốn. Hy vọng, từ đây, một nguồn vốn lớn hơn nữa từ khu vực đầu tư tư nhân sẽ được rót mạnh mẽ hơn nữa vào Thừa Thiên Huế. Nhìn ở khía cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, có thể hình dung, cũng là đi nhưng trước đây, chúng ta đi những bước ngắn thì bây giờ, các bước đi có thể được dài hơn.
Bài: Lê Bình An - Ảnh: Đăng Tuyên