|
|
Người dân thực hiện một thủ tục tại Trung tâm Hành chính công thành phố Huế |
“Kiều một cửa”
Hồ sơ vào tay cò, chi phí để người dân hoàn thiện các TTHC tăng lên rất nhiều lần so với chi phí giải quyết thực tế. Và không phải ai cũng có điều kiện để thuê… cò, đặc biệt là người dân nghèo.
Trong vai một người dân cần giải quyết TTHC, chúng tôi gặp Kiều ngay tại sảnh của Trung tâm Hành chính công TP. Huế. Kiều có biệt danh là “Kiều một cửa”. Danh xưng này chính chị đặt cho mình và công khai trên trang cá nhân facebook lẫn zalo.
Tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế, Kiều “tiếp nhận” các dịch vụ, nhất là dịch vụ về lĩnh vực đất đai khi có nhu cầu. “Bọn em không phải làm việc tào lao, có nhóm giải quyết TTHC trên zalo. Có tiền chưa chắc thuê được bọn em, riêng em làm việc cũng chảnh lắm, vui thì làm, buồn thì không nhận”, Kiều khoe.
Với thủ tục hoàn công, Kiều ra giá 25 triệu nhận trọn gói. “Dù hồ sơ anh chị đúng hay sai vẫn giá 25 triệu”, Kiều khẳng định.
Kiều tỏ ra am tường, rành rõi về các thủ tục này còn hơn cán bộ địa chính. Từ vấn đề đo đạc, xác định tọa độ thửa đất, sơ đồ bản vẽ, giấy phép xây dựng. “Cán bộ phường sao nắm quy trình bằng bọn em. Em nói không phải hù dọa chứ ở phường T.X., quá trình xác định tọa độ thửa đất, rất nhiều trường hợp đất chồng lên nhau, bị lệch tọa độ. Khi làm thủ tục sẽ mất rất nhiều công sức, anh chị nghĩ số tiền bỏ ra lớn nhưng thời gian, công sức tụi em làm cũng không nhỏ”, Kiều nói.
Không chỉ “Kiều một cửa”, trên các trang mạng facebook, “chạm” vào những khó khăn của người dân khi thực hiện các TTHC, nhiều dịch vụ xử lý về chuyển nhượng quyền sử dung đất, tách thửa, hoàn công… xuất hiện.
Với nhu cầu chuyển nhượng sang tên sổ đỏ từ người thân với lý do cần gấp để thế chấp ngân hàng, chúng tôi liên hệ với văn phòng công chứng A., trình bày nguyện vọng. Sau một lúc kết nối với cò dịch vụ, nhân viên phòng công chứng đưa ra giá 6 triệu đồng, thủ tục này hoàn thành trong vòng 1 tuần.
Đến đây, câu chuyện đặt ra là quá trình xử lý các TTHC qua tay “cò” chắc chắn người dân nghèo khó mà đáp ứng về mặt chi phí. Và chi phí đội lên nhiều lần đó cùng với thủ tục được xử lý nhanh gọn thì ai sẽ tham gia?
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước cho rằng, quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, nếu người dân nhờ vả người khác thì phải có giấy ủy quyền.
Trường hợp không có ủy quyền mà các đối tượng này vẫn nhận tiền để thực hiện các thủ tục thì rõ ràng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì nếu không có giấy ủy quyền thì tại sao họ vẫn nộp và nhận trả kết quả các TTHC? Nếu có hành vi móc nối, quan hệ với cán bộ công chức, viên chức để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc thì có thể bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (căn cứ Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020).
“Kể cả trường hợp các đối tượng cò mồi này nhận ủy quyền có thù lao của nhiều người để thực hiện các TTHC thì vẫn vi phạm pháp luật. Bởi lẽ pháp luật quy định chỉ có luật sư mới được phép cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Các hoạt động ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phải đăng ký tại Sở Tư pháp các tỉnh và thành phố theo quy định. Người dân cần thận trọng vì nếu đối tượng không thực hiện theo đúng cam kết thì số tiền họ bỏ ra có thể rất khó đòi, và từ đây xuất hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Phước nhấn mạnh.
“Cán bộ sợ sai?”
TP. Huế là địa bàn trọng điểm trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Số liệu cho thấy, năm 2021, UBND thành phố xếp thứ 2/9 đơn vị cấp huyện với tổng điểm là 84,186. Tuy nhiên, năm 2022, thành phố chỉ đạt 81,430 điểm, giảm 2,756 điểm so với năm 2021 và giảm 6 bậc xếp hạng, đứng vị trí thứ 8/9. Trên lĩnh vực cải cách TTHC năm 2022, thành phố đứng vị thứ 9/9.
Sự mất điểm của thành phố tập trung chủ yếu vào các nội dung: Triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đạt dưới 80%; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn còn thấp (82%), việc cung cấp tài liệu kiểm chứng chưa đầy đủ;…
Ngoài ra, năm 2022 UBND thành phố có 49 trường hợp cán bộ có vi phạm kỷ luật; công tác báo cáo tài chính muộn hơn so với quy định; chỉ số đánh giá hài lòng của người dân SIPAS còn thấp.
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, thành phố còn những tồn tại như số lần đi lại để giải quyết TTHC từ 3-4 lần vẫn còn xảy ra chủ yếu là lĩnh vực đất đai; tỷ lệ trễ hẹn được người dân nhận định ở lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 14,28%.
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế thừa nhận về tình trạng quá hạn hồ sơ giải quyết các TTHC, dù vậy không thể giải quyết, xem xét từng hồ sơ bởi rất nhiều, chỉ khi có đơn thư, khiếu nại các cơ quan chắc năng mới vào cuộc.
Liên quan đến yếu tố con người, ông Hạnh cho rằng, thời gian qua, sau các đợt thanh tra, nhiều cán bộ đã vi phạm, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai. Do vậy, một số cán bộ có tâm lý sợ sai khi giải quyết các TTHC cho dân. “Về nguyên tắc người tiếp nhận hồ sơ phải có nghiệp vụ, nhưng hiện các phòng, ban ở bộ phận một cửa, người tiếp nhận chưa chắc nắm chắc được nghiệp vụ”, ông Hạnh nói.
Nói về “cò một cửa”, ông Hạnh khẳng định: “Họ làm tự phát và không có giấy phép”.
Phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh mới đây, công tác CCHC, thực thi công vụ của một số cán bộ cơ sở đã được đề cập. Các thành viên UBND tỉnh đã tập trung mổ xẻ nguyên nhân và sự ảnh hưởng của vấn đề này trong tương lai. Thậm chí, một số địa phương đang có vấn đề về đạo đức công vụ cũng bị nêu tên.
Đó là thực trạng hồ sơ của người dân không đủ điều kiện giải quyết bị trả lại không đúng quy trình, đặc biệt là trên lĩnh vực tư pháp, đăng ký đất đai. Điều này khiến người dân không biết đường nào mà lần.
Tại phiên họp này, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Hiện tượng thiếu trách nhiệm của các cán bộ thực thi công vụ cần được đánh giá lại, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.
Bàn về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nói, khi nghiên cứu các chỉ số, xử lý các văn bản thì độ hài lòng của người dân thấp rơi vào cấp xã, huyện. “Ở các địa phương, khi người dân đến giải quyết các TTHC cần phải có hướng dẫn và có phiếu hướng dẫn, và ghi nhận giao dịch”, ông Phương nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp