Vậy nhưng, cứ vào mỗi dịp cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4 hàng năm), đâu đó lại “vọng” lên những tiếng nói lạc lõng của những kẻ “vong quốc”, những kẻ chống đối cực đoan hay những nhà dân chủ nửa mùa khi lật lại cái gọi là “Quốc hận” mang tên Tháng Tư.
Vài nơi ở bên ngoài, nhất là ở Mỹ, một số kẻ lại khuấy lên biểu tình, gặp mặt, quyên góp nhân sự kiện này. Việc này hoàn toàn không mới, không khác gì hơn khi mà hơn 40 năm qua, chúng đều đưa ra một “kịch bản”. Mục đích của chúng rất dễ nhận ra, nhưng chúng đã làm được gì thì chính những con người đó mới hiểu. Chẳng mấy ai tin, ai nghe, nhưng chúng vẫn cứ làm và tìm mọi cách để khuếch trương cho thành sự kiện lớn. Những người “cựu” của chính quyền Sài Gòn cũ, những người lớn tuổi đã ngán ngẩm với trò hề rẻ tiền của một số con rối diễn chung một “bài” đã nhiều năm. Một số khác phần lớn thiếu thông tin hoặc bị tiêm nhiễm ý thức chống đối nên cũng tham gia theo kiểu a dua, hiệu ứng đám đông. Bên cạnh đó, không ít kẻ dân chủ nửa mùa lại cố lục lại “ký ức nội chiến” hoặc “chiến tranh phi lý” để lên tiếng phản đối cuộc kháng chiến của dân tộc. Cái lý đưa ra cho rằng những người gây ra chiến tranh hao người tốn của để tạo ra một xã hội lạc hậu, yếu kém, bảo vệ quyền lợi của nhóm độc đảng, độc tài…
Không bình luận nhiều về ý nghĩa của chiến thắng 30/4, nhưng cái không bao giờ quên được đó là không gian bình yên của xã hội, bom đạn không còn rình rập với mỗi người, mỗi nhà.
Theo tài liệu lịch sử, 7,85 triệu tấn bom đạn đã rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, gấp 3 lần số bom đạn các nước sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ 2, tương đương với 250 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản (bình quân mỗi người dân chịu 250kg).
Theo thống kê không chính thức, có khoảng 2 triệu dân thường thiệt mạng và trên 2 triệu người phơi nhiễm chất độc, chủ yếu là chất độc màu da cam. Đó là chưa kể trên 1 triệu liệt sĩ đã nằm xuống mà đến nay nhiều người chưa tìm thấy hài cốt, hàng triệu thương binh…
Và bên kia đại dương, trên bức tường ở Washington DC, Hoa Kỳ có một đài tưởng niệm hơn 58 ngàn binh sĩ Mỹ bị chết trong chiến tranh Việt Nam là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh. Hiện tại, nhìn sang Sirya, Libya, Ai Cập, Afghanistan, Pakistan và các quốc gia Trung Đông khác, từ “Mùa xuân Ả Rập” đến nội chiến triền miên chưa biết bao giờ chấm dứt, mới cảm nhận hết cái giá của hòa bình.
Chúng ta đã chịu đựng mấy chục năm dài như thế, lẽ nào lại lãng quên!
Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta buộc phải cầm súng để tự vệ. Chiến tranh đã đi qua, mỗi ngày được bình yên như hôm nay là gia sản quý báu giành được từ sự hy sinh xương máu của hàng triệu con người.
Những kẻ vong ơn đã vội quên quá khứ, quên công lao của những người đã ngã xuống, họ đang khuấy lại hận thù, đòi hỏi những điều không thể.
Cái giá cho hòa bình của dân tộc, bình yên cho từng gia đình là quá lớn, không gì có thể đánh đổi được.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH