Xe máy của thực khách không chỉ lấn chiếm vỉa hè đường Lê Lợi mà còn chiếm không gian Di tích điểm Tòa Khâm sứ Trung Kỳ
Theo quan sát, dọc hàng rào Trường đại học Sư phạm Huế lúc đầu chỉ vài hàng quán, nay số lượng tăng lên rất nhiều. Mùa nắng ráo, các hàng quán không chỉ chiếm vỉa hè, mà để xe rất lộn xộn, chiếm luôn lối đi dành cho người đi bộ, lấn luôn cả điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung Kỳ - nơi ghi lại sự kiện tháng 4/1908 diễn ra cuộc biểu tình đòi giảm sưu thuế của Nhân dân Thừa Thiên Huế .
Mùa mưa, vỉa hè dọc tuyến đường Lê Lợi càng nhếch nhác, với những lều bạt che chắn tạm bợ. Thực khách chủ yếu là những bạn trẻ. Sau một đêm phục vụ thực khách, nền vỉa hè Lê Lợi loang lổ các vết đen vì sức nóng của các lò than, mùi của các loại thức ăn và nhiều loại rác, thật vất vả cho các anh, chị lao công.
Vì vỉa hè đã bị lấn chiếm với những dãy bàn ghế, các loại xe, nên khách du lịch, nhất là những khách nước ngoài phải rất khổ sở để dịch chuyển trên vỉa hè đường Lê Lợi. Không nói ra, nhưng nhiều người rất bực mình, khó chịu khi đến xem, tìm hiểu di tích Tòa Khâm sứ Trung Kỳ.
“Đây là tuyến phố đẹp, lại ngay sát một trường đại học, điểm di tích lịch sử, việc để người dân kinh doanh buôn bán hàng tạm bợ như thế này là không nên. Chính quyền địa phương cần có quy hoạch vị trí buôn bán hoặc ra quân nhắc nhở để không còn cảnh tượng trên xảy ra”, ông Nguyễn Phước, một người dân ở phường Phú Hội nêu ý kiến.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND phường Phú Hội chia sẻ: “Mới đây, chúng tôi đã họp với các lực lượng để tiến hành lập lại trật tự đô thị tại vỉa hè đường Lê Lợi. Không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán nhếch nhác như thế này mãi”.
Nói về ý nghĩa của điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho biết. “Cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 9/4/1908 và cao trào ngày 11/4/1908 khi nông dân 6 huyện kéo về bao vây Toà Khâm sứ đưa yêu sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn là học sinh cùng với một số học sinh Quốc Học khác cũng tham gia đoàn biểu tình chống sưu thuế, dùng vốn kiến thức tiếng Pháp của mình để giúp bà con với tư cách là thông ngôn. Toà Khâm sứ ngày nay không còn. Nhưng để ghi nhớ lại địa điểm này, nơi đã chứng kiến những hành động yêu nước đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng biểu tượng Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 để kỷ niệm. Rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường kiểm tra để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích”.
Theo chúng tôi, chính quyền sở tại cũng cần có giải pháp quy hoạch, sắp xếp và tổ chức lại khu vực ẩm thực đêm để tạo điều kiện cho người dân. Qua đó góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, nhếch nhác ở khu vực này.
Bài, ảnh: Anh Phong