ClockThứ Năm, 17/03/2022 07:30

Khởi động lại việc tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi

TTH - Sau một thời gian ngưng trệ, việc tháo dỡ hàng rào ở các trụ sở cơ quan, bảo tàng… dọc theo đường Lê Lợi đã được triển khai trở lại. Dù chậm vẫn hơn không, với hy vọng khi hệ thống hàng rào toàn tuyến này được hạ giải sẽ làm cho không gian các trụ sở, bảo tàng, không gian trưng bày kết nối với công viên, vỉa hè thông thoáng, tính thẩm mỹ, kết nối đường đi bộ dọc theo bờ sông Hương ra hướng đường Lê Lợi trở nên dễ dàng hơn.

Hưởng thụ tốt hơn không gian công cộng bên bờ sông Hương

Hàng rào Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế trên đường Lê Lợi được các công nhân tiến hành tháo dỡ

Việc tháo dỡ này từng được khởi xướng vào năm 2017, bắt đầu từ công viên dọc bờ Bắc sông Hương. Trải qua thời gian, có nhiều cơ quan đơn vị tiến hành tháo dỡ nhanh chóng, nhưng ngược lại cũng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên việc tháo dỡ của một số cơ quan không thể triển khai.

Tháo dỡ những hàng rào còn lại

Những ngày giữa tháng 3/2022, hoạt động tháo dỡ tường rào, đập bỏ các phần gắn kết bê tông của một số trụ sở trên đường Lê Lợi triển khai trở lại. Hệ thống tường rào của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế số 15A Lê Lợi đã được hạ giải hoàn toàn nhanh chóng chỉ trong vài ngày với một số thao tác đơn giản. Ngay khi hạ giải xong, nhiều người qua lại dù tỏ vẻ ngỡ ngàng nhưng nhận định toàn bộ không gian có lối kiến trúc Phật giáo này lộ ra đẹp mắt, tạo nên sự thông thoáng, không còn gò bó, bị ngăn cách tầm nhìn từ trước ra sau; đặc biệt, có một số điểm sau khi hạ giải hàng rào có thể ngắm rõ sông Hương rất thoáng đãng.

Dọc theo đó không xa, các công nhân sau khi hạ giải lớp sắt đã tiến hành khoan cắt hệ thống bê tông của hàng rào thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế (trước kia là Bảo tàng Văn hóa Huế) ở số 23 – 25 Lê Lợi. Hàng rào kiên cố, kéo dài gần cả trăm mét cứ thế lần lượt hạ xuống, không gian bên trong và bên ngoài thật sự gắn kết, không còn khoảng cách cũng như sự “bức bí” vốn có trước đó. Ngôi nhà cổ kính với lối kiến trúc Pháp cứ thế hiện ra một cách sang trọng, lạ mắt ở nhiều góc nhìn khác nhau khi không còn lớp hàng rào “kín cổng cao tường” như trước.

Trước đó, khi triển khai chỉnh trang lại không gian Trung tâm Dịch vụ du lịch Festival ngay đoạn giáp với chân cầu Phú Xuân, toàn bộ hàng rào quanh khu vực này đã được hạ giải, thay vào đó là hàng rào mềm được trang trí bằng cây xanh rất nhẹ nhàng, bắt mắt.

“Việc hạ giải này đã làm cho không gian đô thị Huế nói chung, đặc biệt là trục đường tuyệt đẹp Lê Lợi trở nên thông thoáng, sang trọng, đặc biệt kết nối được vệ hệ thống các tuyến đường đi bộ chạy dọc theo đó, kết nối được từ địa điểm này đến địa điểm khác, không còn khoảng cách gò bó”, anh Nguyễn Lân, một người dân TP. Huế thường xuyên qua về cung đường này nhìn nhận.

Những năm gần đây, việc chỉnh trang TP. Huế đã xác định tạo ra không gian liên tục từ đường phố - vỉa hè - công viên - đến mặt nước sông Hương. Không gian này còn là nơi kết nối người dân, du khách, tạo ra sự thoáng mát, sạch đẹp, đặc biệt khi có những sự kiện văn hóa, lễ hội.

Đồng tình, nhưng…

Tuy nhiên, cũng có đơn vị cho rằng việc tháo dỡ đến thời điểm này sẽ gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, tài sản. Cụ thể như Không gian Trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Đơn vị này đưa ra quan điểm cơ bản thống nhất và đồng tình với chủ trương chỉnh trang tổng thể tuyến đường Lê Lợi của UBND TP. Huế. Việc tháo dỡ hàng rào xung quanh không gian này bên cạnh phù hợp còn đồng thời đưa các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ đến gần hơn với công chúng, góp phần chỉnh trang cảnh quan xung quanh khuôn viên khu vực và kết nối đồng bộ với không gian công cộng. Qua đó, tạo không gian mở phục vụ khách tham quan du lịch, góp phần chỉnh trang đô thị khu vực hai bên bờ sông Hương ngày càng xanh, sáng, đẹp và tạo nên một điểm dừng chân thưởng lãm nghệ thuật hấp dẫn và đặc sắc cho du khách trong nước và bạn bè quốc tế trên tuyến phố du lịch Lê Lợi cũng như phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đơn vị đã từng có văn bản gửi các cơ quan chức năng lên dự án chỉnh trang sân vườn Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng để phù hợp với việc trưng bày cũng như hài hòa, đồng bộ không gian sau khi hạ giải hàng rào. Tuy nhiên, đến nay việc hạ giải hàng rào đang cận kề, nhưng dự án chỉnh trang sân vườn vẫn chưa thể triển khai nên ít nhiều gặp khó khăn.

“Vì không gian này là thiết chế đặc thù, đang trưng bày, bảo quản gần 400 tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn, việc quản lý sau khi hạ giải hàng rào là chuyện không hề đơn giản”, bà Trai nói và cho biết thêm, hiện cũng đã có văn bản gửi ý kiến lên cơ quan cấp trên để báo cáo. Cũng theo bà Trai, nếu dự án chỉnh trang không gian khuôn viên trưng bày diễn ra trước hoặc cùng thời điểm hạ giải hàng rào sẽ “trọn vẹn” hơn, đằng này dự án chưa triển khai nhưng hàng rào buộc phải tháo dỡ nên ít nhiều sẽ gặp trắc trở.

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế - đơn vị đang triển khai hạ giải, chỉnh trang hệ thống hàng rào trên đường Lê Lợi cho hay, cũng đã nắm được một số vấn đề khó khăn liên quan đến Không gian Trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng liên quan đến dự án. “Trước khi hạ giải hàng rào không gian này, chúng tôi sẽ trao đổi lại sao cho phù hợp, thuận lợi đôi bên”, ông Chinh chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần cho lâu dài

Hàng loạt công sở ở Huế hiện nay không còn sử dụng nữa. Các cơ quan này đã tập trung về trung tâm hành chính công. TP. Huế thì có Trung tâm Hành chính công của thành phố. Tỉnh thì có Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Nhiều vị trí công sở nói trên nằm trên vị trí đất vàng. Giờ chưa khai thác được thành ra… lãng phí.

Cần cho lâu dài
Kết nối không gian văn hóa nhìn từ “phố bảo tàng”

Sau một năm được kết nối với nhau bằng việc hạ giải hệ thống các hàng rào sắt thép, “tuyến phố bảo tàng” Lê Lợi dọc theo bờ Nam sông Hương không chỉ thông thoáng mà còn tạo được sự sang đẹp của đô thị văn hóa di sản.

Kết nối không gian văn hóa nhìn từ “phố bảo tàng”
Return to top