Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế vừa thụ lý, giải quyết một vụ án khá “hy hữu”.
Chị A., một phụ nữ sống ở một tỉnh miền Bắc gửi đơn đến TAND TP. Huế, yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán tài sản. Đó là chiếc ô tô trị giá 1,2 tỷ đồng, là tài sản chung của vợ chồng, bị người chồng bán cho chị M., (sinh sống ở TP. Huế) với giá 50 triệu đồng, mà không hề hỏi ý kiến của chị A., và không được sự đồng ý của chị - đồng sở hữu.
Đó là nội dung của vụ án. Nhưng “phía sau” vụ án này là “câu chuyện” khác, là sự “chông chênh” trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Theo lời tâm sự của chị A., hoàn cảnh kinh tế gia đình chị thuộc diện khá giả. Người chồng làm ra tiền và thường đi công tác tại các tỉnh xa trong thời gian khá dài. Thời gian qua, chồng chị A., đến Huế theo nhu cầu công việc. Tại đây, chồng chị A., có quan hệ tình cảm với chị M.
Theo chị A., chồng chị đã tặng cho chị M., nhiều tài sản có giá trị lớn, nhưng không có bằng chứng nên chị A., đành “ngậm đắng nuốt cay”. Riêng đối với chiếc xe ô tô nói trên, chị A., có bằng chứng là hợp đồng chuyển nhượng (đã được công chứng nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên). Quyết tâm làm cho “ra môn ra khoai”, chị A., chấp nhận bỏ công bỏ việc “vào, ra” Huế để “theo” vụ kiện.
Tuy nhiên, trong quá trình tòa giải quyết vụ án, chị M., phản tố, cho rằng thực ra chiếc xe ô tô này là do chị bỏ tiền ra mua, nhưng nhờ chồng chị A., đứng tên. Chị M., đưa ra chứng cứ là phiếu chuyển tiền, số tiền 1,2 tỷ đồng, do chị chuyển trực tiếp cho người bán xe. Do đó, chị M., cho rằng đây là tài sản của chị.
Để điều tra, xác minh, giải quyết vụ án chính xác trên căn cứ các quy định của pháp luật, tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời, có văn bản gửi đến cơ quan công an, dừng thực hiện thủ tục chuyển tên chủ sở hữu chiếc xe ô tô này cho chị M., đợi kết quả giải quyết của tòa án, thông qua bản án, quyết định có hiệu lực. Thẩm phán cho biết, tuy nhiên, quá trình tòa đang giải quyết, thì chị A., rút đơn khởi kiện. Do đó, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Vụ án tranh chấp tài sản, yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản trái pháp luật khép lại. Thế nhưng “vụ án” người chồng có quan hệ “ngoài luồng”, khiến gia đình thiệt hại về mọi thứ có lẽ khó có thể “giải quyết” trong một sớm một chiều.
Người vợ trong vụ án này tâm sự, chị có thể bỏ qua việc bị tổn thất về tài sản, bởi người chồng “dại dột” đã lén lút tặng cho người phụ nữ khác. Nhưng tổn thất về tinh thần thì khó lòng có thể quên được. Chị A., từng nghẹn ngào nói với thẩm phán, tình cảm của chị đối với chồng đã sứt mẻ, đã mất niềm tin. Chị A., sợ rằng hạnh phúc gia đình có nguy cơ đứng trên bờ vực tan vỡ.
Theo các thẩm phán, qua thực tế xét xử cho thấy, chồng (vợ) ngoại tình là vết thương để lại sẹo khó có thể lành trong tình cảm của đối phương. Vậy nên, vợ chồng cần luôn bồi đắp tình cảm, tránh “lạc đường”. Vì điều đó khiến chất lượng đời sống hôn nhân giảm sút, thậm chí bị đe dọa tan vỡ gia đình, kéo theo bao nhiêu hệ lụy buồn, khi vợ, chồng đưa nhau ra chốn công đường, yêu cầu tòa “khai tử” hôn nhân.
Duy Trí