Bị hại có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Cha mẹ bị hại ngồi như người mất hồn, chốc chốc ném ánh mắt phẫn uất về phía bị cáo, người trước đây là bạn thân thiết trong gia đình. Cha bị hại và bị cáo cùng là thợ hồ, làm chung với nhau trong suốt 10 năm qua (lúc đó bị cáo còn chưa có vợ). Vì đi làm chung với nhau, thấy “bạn” có vẻ hiền lành, chịu khó, lại phải nuôi mẹ già, nên cha mẹ bị hại, trưa nào cũng sẵn lòng “thêm bát thêm đũa”, mời bạn ăn cơm. Đến lúc bị cáo cưới vợ sinh con, tình cảm giữa bị cáo và gia đình bị hại vẫn thân thiết, không thay đổi. Theo cha mẹ bị hại, nghĩ mối quan hệ giữa gia đình họ và bị cáo thân thiết, lâu dài như vậy, họ hoàn toàn tin tưởng vào bị cáo, đâu ngờ rằng, người mà lâu nay họ coi như đứa em trai trong nhà, lại thành kẻ “phản trắc”, ngấm ngầm quan hệ tình cảm với đứa con gái mới hơn 15 tuổi ngây thơ, non nớt của họ. Khi sự việc bị chính mình phát giác, tự trách vợ chồng sớm hôm mải miết lo kiếm tiền mưu sinh mà ít quan tâm đến con gái, đồng thời sợ làm to chuyện sẽ ảnh hưởng nặng nề và dài lâu đến cuộc sống của con, nên cha mẹ bị hại nghiến răng giải quyết “nội bộ”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, mọi người sống cùng địa phương lại biết chuyện, bàn tán xôn xao. Cho rằng, gia đình mình đã “câm nín”, thì chỉ có bị cáo “xì” thông tin ra. Điều đó làm cha mẹ bị hại càng thêm uất ức, mới quyết định tố cáo thủ phạm ra pháp luật.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về hành vi phạm tội, bị cáo phân bua, biết việc làm của mình là sai trái, nhưng do ngày nào cũng gặp mặt, nên giữa bị cáo và bị hại nảy sinh tình cảm và không kiềm chế được tình cảm đó. Hội đồng xét xử lại hỏi: “Vậy khi làm việc sai trái đó, bị cáo có nghĩ đến hậu quả sẽ như thế nào không?” Bị cáo cúi mặt không trả lời. Mẹ bị cáo cũng đau khổ tột cùng khi con trai bị bắt vào trại tạm giam, để vợ yếu con thơ bơ vơ
Hôm chúng tôi tìm đến nhà, không gặp được vợ bị cáo, vì chị phải bươn bả đi làm mắm thuê ở chợ Đông Ba. Một ngày lao động quần quật của chị cũng chỉ kiếm được 50 đến 70 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi làm sao đủ để chi tiêu cho gia đình có con thơ và người chồng trong trại giam, cần đồ tiếp tế, thăm nuôi, nên người mẹ già vừa ẵm cháu nội, vừa phải đỡ đần con dâu kiếm thêm tiền bằng công việc in giấy cúng (giấy vàng mã). “Tui làm công việc ni, kiếm thêm mỗi ngày được 10 nghìn đồng”, mẹ bị cáo thẫn thờ dựa lưng vào tường căn nhà tuềnh toàng. Kể về đứa con trai, kẻ phạm tội “tày đình” trong lòng người mẹ vẫn là đứa con ngoan, hiếu thảo. Tiếc là “nó” đã trót “mù quáng” trong chuyện tình cảm, khiến bản thân phải ngồi tù, vợ con khổ. Nỗi khổ của hai người phụ nữ và đứa trẻ thơ bất hạnh cũng nhận được sự cảm thông từ những người hàng xóm láng giềng. Người chỉ đường chúng tôi đến nhà bị cáo thốt lên: “Tội lỗi ai gây ra người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu có ai đến giúp đỡ cho mẹ con bà cháu ấy chút tiền, qua được khó khăn này, chúng tôi mừng”!
Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm hại thuần phong mỹ tục, TAND TP Huế phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù. Kẻ phạm tội đã phải trả giá cho hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên điều đó cũng không thể nào khiến nỗi lòng cha mẹ của bị hại được nhẹ bớt. Nỗi ân hận vì đã lơ là, không quan tâm, bảo ban con kịp thời, khiến bản thân con cũng phạm sai lầm “chết người”, có lẽ mãi mãi nặng trĩu trong lòng cha mẹ bị hại trong vụ án này.