Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị Ảnh: VGP
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện các sở, ngành liên quan.
Gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, đó là chỉ tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. “Xe của anh vận tải hàng hóa thì có đến 40 – 50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”- thủ tướng nói.
Khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, thủ tướng cho rằng trị giá của dịch vụ này hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics.
Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ. Chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói…
Các địa phương cần nắm rõ vấn đề rất rộng này, ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”.
“Phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế và đặc biệt tập trung vào các giải pháp thực thi hiệu quả. Trước tiên là về thể chế, chính sách. Thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics. Thứ ba là thảo luận về tính kết nối của các loại hình vận tải. Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics.
Thủ tướng mong muốn các đại biểu kiến nghị các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể gồm nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
Nhiều giải pháp giảm chi phí Logistics
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Thừa Thiên Huế
Theo báo cáo của Bộ GTVT, dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarding) từ những năm 1986. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành Logistics Việt Nam khoảng 14 -16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao; theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, gần cao nhất trên thế giới, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Bộ GTVT đã đề xuất các giải pháp làm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải: Đó là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải.
Các chuyên gia cho rằng tiềm năng để ngành logistics ở Việt Nam đang có đà phát triển rất lớn. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics. Vấn đề là các doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không.
Hội nghị nghe báo cáo của các Bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Ngân hàng Thế giới… về thực trạng dịch vụ logistics tại Việt Nam; kiến nghị, đề xuất Chính phủ các giải pháp để hoạt động logistics, kinh doanh vận tải thuận lợi, hiệu quả nhất.
Tin, ảnh: Thái Bình