ClockThứ Năm, 07/03/2024 07:08

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng - một người con ưu tú của xứ Huế

HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Tôn Thất Tùng - danh y xứ Huế

Giáo sư Tôn Thất Tùng, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912 tại Thanh Hóa, vừa được ba tháng tuổi thì thân sinh của ông qua đời, trong năm đó mẹ ông đưa cả gia đình về Huế sinh sống. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa), nhưng Giáo sư Tôn Thất Tùng không theo nghiệp làm quan của gia tộc mà quyết tâm đi theo Tây học. Ông nói: “Tôi chán ngấy cảnh tượng những quan lại ở Huế: một mặt thì sợ Tây hết vía, một mặt thì chà đạp Nhân dân lao động của mình”. Do đó, sau khi học xong chương trình ở trường Quốc học, năm1931 ông ra Hà Nội theo học tại trường Trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi) để hoàn thành chương trình Tú tài. Năm 1935, ông thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội, một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương, với quan niệm nghề y là một nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân, không phân biệt giai cấp.

 Cố GS.BS Tôn Thất Tùng (đeo kính) giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức với Bác Hồ trong một lần Người đến thăm bệnh viện. Ảnh: Tư liệu

Trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra, niềm vui lớn nhất của Giáo sư Tôn Thất Tùng là được chữa và khám bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một hôm tôi được gọi gấp đến xem cho một lão đồng chí, bước vào phòng, tôi gặp một ông già gầy xanh, nhưng có đôi mắt sáng... từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng, dưới ánh sáng đôi mắt Bác Hồ”. Mỗi khi đến chữa bệnh cho Bác, sau khi tiêm thuốc xong, Bác hay hỏi chuyện ông về công việc và gia đình. Khi biết tin ông đã có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Cũng như các trí thức khác của nước ta, Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn luôn được Đảng và Bác Hồ quan tâm, giúp đỡ và đặt nhiều niềm tin.

Năm 1947, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Chính phủ cử giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế, với trọng trách xây dựng và phát triển nền y tế trở thành một mặt trận kháng chiến và lớn mạnh về sau. Năm 1949, giữa đại ngàn Việt Bắc, mặc dù thiếu thốn trăm bề nhưng ông cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ tổ chức sản xuất thành công thuốc Penicillin (Pênêxilin) phục vụ điều trị vết thương cho quân đội từ chiến trường Biên giới cho tới chiến trường Điện Biên Phủ. Đây được xem là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai làm được bằng những dụng cụ thô sơ.

Bác rất quan tâm tới việc sản xuất thành công thuốc kháng sinh Pênêxilin, một loại thuốc quý dùng để chữa bệnh cho thương binh. Vì thành tích đó, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và ông được thưởng huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Còn với ông, Bác nói: “Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”. Ông đã tự chọn cho mình Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mấy hôm sau, vào một buổi tối, Bác mời Hội đồng Chính phủ đến dự bữa cơm để trao huân chương cho ông. Bác mời cụ Tôn Đức Thắng gắn huân chương. Bác nói: “Chú Tùng là một xi-đờ-văn (cidevant, danh từ mà cách mạng Pháp 1789 dành cho các nhà quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”.

Trong kháng chiến mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm, theo dõi sát sao đến những đóng góp của bác sĩ cho nền y học nước nhà. Trong những ngày ở Phú Thọ ông đã nhận được một tấm thiếp của Bác. Tấm danh thiếp đánh máy bằng mực màu tím, trên đó, Bác viết: “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”.

Những lời khen ngợi, căn dặn, thăm hỏi ân cần và tình cảm của Bác đã động viên ông rất nhiều, giúp ông làm việc ngày càng tốt hơn trong công tác chuyên môn của mình, bởi ông nghĩ rằng: “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm?

Trong thời gian từ 1958 đến 1961, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, thường được gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”, cứu sống hàng vạn bệnh nhân trước cận kề cái chết. Những công trình khoa học đó được cả thế giới công nhận và vinh danh ông, trên báo Lyon Phẫu thuật (Lyon chirurgical - Pháp) năm 1964 viết: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch”. Ngoài thành công là một bác sĩ giỏi về phẫu thuật gan, Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng là bác sĩ đầu tiên thực hiện mổ tim thành công ở Việt Nam…

Với những đóng góp to lớn về y học ở trong nước và quốc tế, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức, thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, thành viên Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật Algeri…

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Từ năm 2000, Nhà nước ta đã đặt ra một giải thưởng Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế" do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” (11/6/1948-11/6/2024):
Thi đua là yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cọi trọng và đề cao vai trò của thi đua ái quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…

Thi đua là yêu nước
Nơi lưu dấu chân Người

Thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm. Đó là thời kỳ từ năm 1895 - 1901, khi Người mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi) và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi).

Nơi lưu dấu chân Người
Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 17/5, Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Phong Điền đã làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền (nơi có hơn 3.600 phần mộ liệt sĩ) và Đền liệt sĩ huyện.

Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ

TIN MỚI

Return to top