ClockThứ Bảy, 23/06/2018 09:40

Chuyến tác nghiệp đặc biệt

TTH - Thi thoảng, điện thoại reo, lại hiện tên hình ảnh một người lính hải quân. Tiếng sóng lẫn trong cuộc trò chuyện. Biển đảo xa xôi bỗng rất gần...

Nghề báo gian nan nhưng hấp dẫnPhong cách nhà báo Hồ Chí MinhLãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các cơ quan thông tấn báo chí

Đoàn phóng viên, đại biểu chuẩn bị xuống tàu, lên đảo

Viết trên bàn bếp

Đầu năm 2018, tàu 632 thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân chở đoàn công tác hơn 130 phóng viên báo, đài trên toàn quốc, đại biểu các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, cán bộ, sĩ quan hải quân vùng 5 và thủy thủ đoàn (do Đại tá Nguyễn Đăng Tiến, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm trưởng đoàn), thực hiện chuyến hành quân 7 ngày trên biển, đến với Nhân dân, bộ đội hải quân đang làm nhiệm vụ giữ đảo trên 5 điểm đảo xa xôi tuyến đảo Tây Nam. Căn phòng 6 giường tầng của thủy thủ nhường lại cho hơn 20 nữ phóng viên chúng tôi và các đại biểu. Không đủ chỗ, chị em nằm trên sàn tàu. Để đi từ điểm đảo này đến điểm đảo khác, tàu phải chạy suốt đêm.

Sau khi từ đảo Hòn Chuối trở lại tàu, chiều hôm ấy, tôi “nhận lệnh” từ tòa soạn, báo ngày mai phải có bài biển đảo cho số báo kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2.

Trời trở gió, biển sóng lớn, tàu lắc mạnh. Sau bữa cơm tối, chị em về phòng tắt điện, dỗ giấc ngủ để quên đi cơn nôn nao. Tôi chỉ còn cách ôm máy tính lò dò xuống bếp, là vị trí đằm hơn so với chiếc giường tầng hai đang liên tục chao đảo. Mấy cậu lính trẻ nhanh tay dọn dẹp “hầm bà lằng” những dụng cụ làm bếp sang góc bàn, nhường chỗ cho chiếc máy tính.

Gần hai giờ đồng hồ trôi qua, màn hình máy tính vẫn “trắng”, không có chữ nào, bởi cơn nôn nao say sóng  khó chịu cứ quay cuộn trong dạ dày, “bò” lên cổ họng. Bên kia bàn, Trung úy Nguyễn Văn Tuấn, Phó Thuyền trưởng 1 và Thiếu úy Nguyễn Văn Đăng, Phó Thuyền trưởng 2 đang đích thân “xắn tay” phụ anh em thủy thủ chuẩn bị thực phẩm, kể những câu chuyện về các chuyến thực hiện nhiệm vụ của lính biển. Cũng trên chiếc bàn ăn này, nếu gặp bão lớn thì thức ăn của các anh chỉ độc một món nào đó để nguyên trong nồi. Có những cơn bão lớn, tàu chao lắc, nghiêng mạnh, thức ăn bị những cú xô giật hất xuống sàn. Nhưng các anh vẫn gắng đảm bảo sức khỏe để đồng lòng đưa con tàu “xuyên” bão tố, hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển trời...

Lính biển trên tàu 632 chuẩn bị bữa sáng cho đoàn công tác

Những người lính biển can trường ấy suốt mấy hôm nay tự tay chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho phóng viên, đại biểu đất liền. Bữa ăn nào cũng có thêm chén nước mắm ớt cay xè dành riêng cho người đến từ Huế, Quảng Bình. Chị em nào mệt, lúc sau đã có ngay bát cháo nóng hổi. Biết ai đó buổi tối ăn kém, khó ngủ, các anh đi chế bát mì tôm khuya “năn nỉ” ăn thêm... Mỗi ngày, trong khi chúng tôi lên đảo, các anh ở lại tàu “đánh vật” với công việc tỉ mẩn để phục vụ cho hơn 130 con người. Mỗi đêm, khi mọi người đã say giấc, các anh vẫn thay phiên canh gác, trực ở các vị trí, để con tàu lướt về phía trước. Cảm xúc dâng trào khiến tôi quên đi cơn “cảm” sóng. Từ căn bếp trên con tàu đang lắc lư bởi sóng lớn, trắng đêm hôm đó, tôi viết về những người lính biển can trường mà đầy ắp yêu thương.

Gần lắm biển, đảo...

Bây giờ, nếu có ai hỏi về những thắng cảnh của đảo Nam Du, tôi sẽ trả lời không do dự, “thắng cảnh” xinh đẹp nhất là tình cảm của những người giữ đảo, giữ biển bằng tình yêu nồng nàn, sâu đậm. Những con người chân chất, mộc mạc và vô cùng hiếu khách.

Tôi vẫy “bác xe ôm” với đề nghị được ngao du vòng quanh đảo. Dũng hào hứng đưa tôi đến từng thắng cảnh, tận tình giới thiệu từng chi tiết, kể “gốc tích” của từng con đường ôm quanh đảo với vẻ tự hào, thân thương.

Biết tôi từ Huế, Dũng bảo tự nhiên thấy gần gũi, bởi anh đã từng đến Huế ôn thi đại học. Thời gian lưu lại Huế không dài, nhưng anh trót yêu, trót nhớ và mang hình ảnh cầu Trường Tiền theo trong ký ức. Cùng nhau ngồi ngắm biển từ quán cà phê bên triền dốc, Dũng kể anh là giáo viên dạy môn địa lý tại Trường THCS An Sơn trên đảo.

Quê Thanh Hóa, Dũng vào gắn bó với đảo Nam Du đến nay đã 15 năm, từ khi đảo chưa có đường sá, đi phải xắn quần vì bùn lầy lội. Đồng lương eo hẹp nên Dũng chạy xe ôm vào thứ bảy, chủ nhật chở khách du lịch để kiếm thêm thu nhập, phụ vợ nuôi con. Trường của Dũng kết nghĩa với trạm ra đa trên đảo nên anh chị em giáo viên và bộ đội hải quân trạm coi nhau như người nhà. Không ít trường hợp người dân bệnh nặng, nguy cấp, ngay trong đêm, trong thời tiết bão tố, Dũng cùng các anh hải quân tất tả ngược xuôi thuê thuyền, chuyển bệnh nhân về đất liền để được cấp cứu kịp thời.

Những người lính hải quân vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tổ quốc mà rời xa gia đình đến đây. Những ngư dân mộc mạc vì yêu mà bám biển, bám đảo....

Với tôi, tình cảm của những người lính, những người dân bám trụ giữ biển, giữ đảo mãi mãi thật gần trong tâm trí.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối báo chí qua nền tảng số

Những bất cập trong quá trình tương tác giữa cơ quan nhà nước (CQNN) với báo chí đã cơ bản được giải quyết sau khi Thừa Thiên Huế đưa vào vận hành Nền tảng số kết nối truyền thông tích hợp trên Hue-S.

Kết nối báo chí qua nền tảng số
SÂN CHƠI BÓNG ĐÁ BÁO CHÍ MIỀN TRUNG:
Hân hoan tuổi lên 10

Từ giải bóng đá do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức đã cho ra đời Giải Bóng đá Báo chí Thừa Thiên Huế mở rộng, và rồi trở thành Giải Bóng đá Báo chí miền Trung. Đó là hành trình 10 năm gầy dựng và phát triển.

Hân hoan tuổi lên 10
Sinh viên làm báo

Với sức trẻ, nhiệt huyết, nhiều sinh viên tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã trở thành những cộng tác viên (CTV) thường xuyên, đắc lực cho nhiều tờ báo.

Sinh viên làm báo
Return to top