ClockThứ Năm, 17/09/2015 18:15

Cung cấp nhiều tư liệu rất mới

TTH - Chiều 17/9, tại TP. Huế, Viện Khảo cổ học (KCH) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức khai mạc Hội nghị thông báo KCH lần thứ 50, năm 2015. Đây là lần đầu tiên Hội nghị này được tổ chức không phải tại Hà Nội. Đồng chủ trì Hội nghị gồm có: ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện KCH (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học trong lĩnh vực KCH và đại diện đến từ các khu di sản thế giới tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan tham quan tư liệu mới về khảo cổ học

Hoạt động ý nghĩa

Năm nay, Ban tổ chức nhận được 356 bài viết gồm những phát hiện mới và các nghiên cứu mới liên quan đến KCH gồm KCH Thời đại Đá, KCH Thời đại Kim khí, KCH Lịch sử, KCH Chămpa – Óc Eo và KCH dưới nước. Chiều 17/9, Hội nghị đã nghe tham luận từ các Di sản Lịch sử Văn hóa: Hoàng thành Thăng Long; Thành nhà Hồ; khu Di tích Tràng An; Thánh địa Mỹ Sơn; Đô thị cổ Hội An và khu Di sản thế giới Huế.

Ở khu di sản Huế, từ năm 1999 đến nay, hoạt động nghiên cứu và khai quật KCH được tiến hành thường xuyên và kết quả của các hoạt động ấy đã được ứng dụng trực tiếp vào công tác tu bổ, tôn tạo các di tích kiến trúc. Hội nghị thông báo những phát hiện mới KCH lần thứ 50 được tổ chức ở Huế là cơ hội để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung mở rộng hợp tác, quảng bá hình ảnh di sản Huế. Đồng thời là cơ hội để đội ngũ cán bộ làm công tác khảo cổ và bảo tồn của Thừa Thiên Huế trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Các thành viên tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: Việc tỉnh Thừa Thiên Huế được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 50 là một hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao vị thế khoa học của Thừa Thiên Huế, tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ của vùng đất Cố đô. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học và tạo điều kiện về mọi mặt để công tác nghiên cứu khoa học lịch sử và bảo tồn di sản được phát triển vững chắc.

Nhiều thông tin giá trị

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện KCH đã có bài tổng hợp về nội dung của các thông báo tại Hội nghị này, nhấn mạnh: Những hoạt động KCH năm 2015 trên toàn quốc sôi nổi, thời sự, phong phú, đa dạng và rất hiệu quả, nhiều cuộc khảo sát, điều tra, thăm dò, thám sát và khai quật đã cung cấp những tư liệu rất mới về khảo cổ học, cùng với các phát hiện là những nghiên cứu về di tích di vật đã bám sát các mục tiêu nghiên cứu rất cụ thể phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, việc xây dựng hồ sơ di sản, công tác quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị di tích, di sản.

Ở lĩnh vực KCH Thời đại Đá, kết quả sau khi khai quật di chỉ Buôn Kiều và Buôn Hàng Năm (thuộc xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) từ tầng văn hóa 0,5m đến 0,75m cùng với một khối lượng lớn di vật, các nhà khoa học đã xác định niên đại của nhóm di tích này thuộc giai đoạn Đá mới sớm, cách ngày nay khoảng 5200 - 5000 năm. Đây là những tư liệu góp phần nhận thức mới về tiền sử Đăk Lăk và Tây Nguyên. Hoặc, kết quả sau khi khai quật lần thứ 6, 7 di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), cũng đạt được phát hiện lớn là tìm được những mảnh khuôn đúc trống đồng nằm trong địa tầng ổn định. Đây là những tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu di tích Luy Lâu nói riêng và lịch sử giai đoạn 10 thế kỉ đầu Công nguyên nói chung.

KCH dưới nước là một trong những nội dung mới tại hội nghị lần này, với 8 thông báo về những phát hiện mới liên quan đến sưu tập gốm cổ ở Cù Lao Chàm (Hội An), sưu tập hiện vật ở Thuận An (Thừa Thiên Huế), mỏ neo tàu ở Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi…

Với tư cách là “chủ nhà”, Thừa Thiên Huế tham gia hội nghị với 13 thông báo, đề cập đến những vấn đề, như: hoạt động KCH phục vụ công tác trùng tu và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác Quy hoạch KCH Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng 2030; phế tích Linh Thái - cột mốc phân vùng đánh cá thời vua Minh Mạng; Trực Phương Viên, khu vườn trong Tử cấm thành và chân táng ở di tích Quan trượng đài…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Đề xuất tiếp tục giảm 2 thuế GTGT 6 tháng cuối năm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Return to top