ClockThứ Ba, 26/03/2024 08:51

Cuộc tháo chạy khỏi Huế của quân lực Việt Nam Cộng hòa

TTH - Sau khi để mất Tây Nguyên, thế phòng thủ chiến lược của địch bị rung chuyển nghiêm trọng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng lấy tên là "Mặt trận 475". Chiến trường được phân thành 2 khu vực: Trị - Thiên Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó mục tiêu chủ yếu là Huế - Đà Nẵng.

Trung tướng Lê Tự Đồng với chiến dịch giải phóng HuếTrận chiến cuối cùng giải phóng Thừa Thiên Huế

Xác xe cộ và phương tiện quân sự bỏ lại ngổn ngang tại cửa biển Thuận An, khi quân Việt Nam Cộng hòa tháo chạy về phía nam. Ảnh: baophapluat.vn 

Trong lúc Chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra, thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 đã mở Chiến dịch Trị - Thiên Huế nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn I - Quân khu I  Việt Nam Cộng hòa ở Quảng Trị, Thừa Thiên do Trung tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư lệnh.

Mùa xuân năm 1975, Ngô Quang Trưởng, lúc đó đang là Tư lệnh Quân khu  I, được Tổng thống Thiệu xem là át chủ bài trong những nỗ lực vãn hồi tình hình đầy tuyệt vọng của chính quyền Sài Gòn trước các đợt tấn công như vũ bão của quân Giải phóng. Với vai trò của một vị tướng đang trấn giữ mặt trận xung yếu phía Bắc, Ngô Quang Trưởng đã phải xoay như chong chóng trước mệnh lệnh bất nhất tới từ Dinh Độc Lập và cuối cùng không thể thực hiện lời tuyên bố hùng hồn của mình “Tử thủ Cố đô Huế. Nếu Việt Cộng vào được thành phố Huế phải bước qua xác tôi”, buộc Trưởng phải bỏ của chạy lấy người, lên tàu chiến Mỹ để thoát thân bằng đường biển.

Nắm được sự lúng túng, mâu thuẫn trong đường lối chiến lược của địch, ngày 21/3/1975, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế. Đến ngày 24/3, quân ta đã bao vây toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế, cắt đứt tuyến Quốc lộ 1 ở phía Nam.

Sáng 25/3/1975, các cánh quân của ta từ các hướng tiến công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch, buộc toàn bộ quân lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tháo chạy khỏi Huế qua cửa biển Thuận An và Tư Hiền, tạo ra cảnh hỗn loạn chưa từng có trong hàng ngũ binh sĩ VNCH. Cùng ngày, các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng chiếm giữ các căn cứ quân sự, các cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa và truy quét bọn ác ôn ngoan cố. Đúng 10h30’ ngày 25/3, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu, đánh dấu thành phố Huế hoàn toàn giải phóng.

Ngày 26/3/1975, Sư đoàn I bộ binh địch bị tiêu diệt, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng. Thắng lợi vang dội này là một đòn chí mạng giáng vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung, tạo thế uy hiếp từ hướng Bắc đối với quân địch ở Đà Nẵng.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đại thắng đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu I, trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, không để cho lực lượng đối phương rút về tăng cường phòng thủ quanh Sài Gòn, đẩy chúng vào tình thế tuyệt vọng. Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, chiến thắng vang dội Huế - Đà Nẵng góp phần quyết định và làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta. Với 5 tỉnh liên hoàn ở Duyên hải miền Trung Trung Bộ được giải phóng, quân và dân ta đã giành thêm một địa bàn chiến lược rất quan trọng, tạo ra thời cơ mới và một thế trận mới để nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top