ClockThứ Ba, 25/04/2023 05:58

Trung tướng Lê Tự Đồng với chiến dịch giải phóng Huế

TTH - Mùa thu năm 1974, ông Lê Tự Đồng được lệnh ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới. Vấn đề của Trị - Thiên Huế là liên quan đến yếu tố chiến lược của cuộc kháng chiến nên Khu ủy và Quân khu hết lòng tin tưởng, gửi gắm cho đồng chí.

Cốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1: Đòn đánh bất ngờChuyện vùng quê cách mạng Phú HồĐô thị Huế: Chuyển mình theo năm tháng

leftcenterrightdel
 Bộ đội giải phóng tiến vào Ngọ Môn Huế trong ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tư liệu

Việc báo cáo tình hình thực tế chiến trường để có căn cứ triển khai các kế hoạch tác chiến, giải phóng miền Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã căn dặn tận tình trong đó nhấn mạnh: “Giành dân là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh; nhưng giữ cho được phong trào, giữ vững địa bàn để phát triển cách mạng lại càng khó khăn, cần phải có nhiều phương án cụ thể”. Và đồng chí cũng động viên: “Quân ủy đang mong chờ tin vui của các đồng chí”.

Trọng trách gánh trên vai, khi trở về chiến trường, ông Lê Tự Đồng báo cáo toàn bộ sự việc với Thường vụ Khu ủy và mở nhiều cuộc họp có tính quyết định. Khu ủy quan tâm về vấn đề dự trữ lương thực, đạn dược, các tuyến quân y… Vấn đề làm đường cơ giới được xúc tiến mạnh. Đường 74 từ A So về tới Nam Đông – Khe Tre, được sự giúp đỡ của Quân đoàn 2, một trung đoàn công binh làm việc liên tục từ đầu năm 1974 cho đến trước ngày nổ súng tấn công. Đặc biệt, lực lượng pháo binh được coi trọng, bố trí dọc phía Tây Thừa Thiên tạo thành một lưới lửa bủa vào các điểm quan trọng nằm sâu trong hệ thống phòng ngự của địch như: Phú Bài, Ấp Năm, Nam Giao, Mang Cá, xuống cả quận lỵ Phú Thứ, cửa Tư Hiền, cảng Tân Mỹ, cảng Thuận An.

Bên cạnh đó, việc huy động dân công vùng giải phóng giúp đỡ bốc vác hàng ở các trạm, kho tiếp tế cũng được thực hiện. Ngày 8/2/1975, Bộ Chính trị ra quyết định số 2328-NQ/TW về việc thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên, thành phần gồm có các cán bộ trong Khu ủy, Quân Khu ủy Trị - Thiên và Đảng ủy Quân đoàn 2, chỉ định Thiếu tướng Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu ủy làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Sự thống nhất về mặt chỉ đạo này tạo được đoàn kết trong Ban lãnh đạo Khu ủy, Quân khu ủy cũng như trong toàn quân. Kế hoạch chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được quyết định và thực hiện. Tất cả chỉ chờ ngày nổ súng. Ngày 10/2/1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch năm 1975 của Quân khu Trị - Thiên. Lực lượng chủ lực được xác định tham chiến trong chiến dịch là Quân khu Trị Thiên và lực lượng bộ đội chủ lực của Quân đoàn 2 do thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm chính ủy quân đoàn.

Quan trọng nhất là vấn đề tác chiến thực địa được Khu ủy, Quân khu và Thành ủy Huế bàn bạc rất kỹ lưỡng, trải qua rất nhiều cuộc họp. Cốt lõi của thành bại trong chiến dịch chính việc đưa lực lượng xuống đồng bằng và vùng giáp ranh. Ở đây có hai ý kiến, một là không nên đưa lực lượng xuống sớm mà nên đợi đến khoảng giữa chiến dịch vì còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm; hai là tùy thuộc vào tình hình chiến trường và Bộ Tư lệnh tại chiến trường quyết định.

Thiếu tướng Lê Tự Đồng đã nhiều lần bàn với Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Thường vụ Khu ủy nhưng vẫn chưa quyết định cách tiến công. Phải đến khi sốt ruột quá, đồng chí liền đột ngột đến Thành ủy Huế và mạnh dạn trình bày: “Vấn đề nổ súng đồng loạt cả giáp ranh và đồng bằng cùng đánh là hay nhất, bất ngờ nhất với địch, đặc biệt trong tình hình này”. Nhiều câu hỏi đặt ra về tính bất ngờ trong việc thay đổi giáp ranh nổ súng trước, đồng bằng nổ súng sau? Có còn đưa lực lượng lớn xuống đồng bằng nữa hay không? Và nếu đưa xuống làm sao bảo đảm được bí mật và đồng loạt nổ súng khi Quốc lộ 1 dày đặc đồn bốt địch?

Để có được quyết định cuối cùng về phương án tác chiến, Thiếu tướng Lê Tự Đồng nhiều lần đi cơ sở, thực địa và đặc biệt là cuộc họp với Thành ủy Huế. Lúc này, việc quan trọng nhất là đưa một lực lượng lớn xuống đồng bằng một cách nhanh gọn, an toàn và bí mật. Và đồng chí Đấu, Thành đội trưởng Huế đã “hiến kế” thông qua sự gợi ý của Thiếu tướng Lê Tự Đồng. Cụ thể, thành đội hiện nắm các đường qua lại, lên về trong phạm vi thành phố mà các đội công tác, các đội biệt động thường dùng. Đồng chí nói: “Báo cáo thường vụ, đây là con đường tuyệt mật của chúng tôi. Chúng tôi qua lại lẻ tẻ thì được, nhưng nếu qua ồ ạt với lực lượng lớn như vậy, thì chỉ dùng được một lần mà thôi”. Đây thực sự là một tin vui, một “đột phá khẩu” thượng sách quyết định thành bại của cuộc tổng tiến công về Huế. Thiếu tướng Lê Tự Đồng thể hiện niềm vui sướng không còn gì bằng: “Tôi như mở cờ trong bụng, vui sướng quá! Thế là đã gỡ được cái bế tắc! Tôi đề nghị thường vụ chấp nhận ý kiến của đồng chí Đấu”. Và sau đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cũng đồng ý với phương án này.

Và suốt ngày 7/3, rạng sáng 8/3 là cuộc chuyển quân lịch sử tiến về giải phóng Huế. Đó thật sự là một “ngày dài dằng dặc” trong ký ức nhiều tướng lĩnh chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ. 5 giờ 45 phút, pháo các cỡ, các hướng đồng loạt nổ. Chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế bắt đầu. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, từ 21 giờ đêm 8/3/1975, quân và dân các huyện đồng loạt nổi dậy, tấn công vào hơn 30 phân chi khu quân sự của địch, hỗ trợ cho hàng nghìn quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.

Trong lúc chiến trường Trị Thiên đang sôi động, ở Tây Nguyên thắng lớn, giải phóng Buôn Mê Thuột, quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án, cách thức tác chiến đến từng chi tiết, sự phối hợp tiến công của các lực lương vũ trang trên chiến trường lúc bấy giờ, tin vui báo tin vui. Tây Nguyên thắng lớn, Buôn Mê Thuột được giải phóng vào ngày 10/3/1975. Trên mặt trận Trị - Thiên Huế, ngày 19/3/1975, những địa bàn cuối cùng của tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.

5 giờ sáng ngày 21/3/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công đợt hai, giải phóng Thừa Thiên Huế. Với tinh thần “một ngày bằng 20 năm” quân ta dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc tấn công, quần chúng nhân dân nổi dậy khắp nơi. 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, Trung đoàn 6 kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh Kỳ Đài, đánh dấu một thời khắc lịch sử của mùa xuân 1975. Để có được chiến thắng quyết định này, quân và dân Trị Thiên đã chuẩn bị một thời gian khá dài dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Khu ủy và sự phối hợp tác chiến của Quân đoàn 2.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, năm 1982, ông được phong hàm trung tướng. Sau này, Trung tướng Lê Tự Đồng viết trong hồi ký ngày 26/3 khi chiến dịch giải phóng Huế đã thành công: “Tôi mở cửa sổ nhìn ra sông Hương êm đềm một màu sương bạc như tấm dù trắng thênh thang tỏa lên một màu sáng mát mẻ dịu dàng”. Vị tướng hết lòng vì chiến dịch giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, làm tròn bổn phận và trách nhiệm trong những giờ phút then chốt của lịch sử đã vui mừng trước chiến thắng lớn, mở ra chương mới cho vùng đất Cố đô. Tấm gương và công lao của Trung tướng Lê Tự Đồng với vai trò là một yếu nhân lãnh đạo trực tiếp chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế đã được lịch sử ghi nhận. Ông mãi là niềm tự hào của Huế, của khát vọng hòa bình, của mùa xuân lịch sử một thời.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”

Ngày 28/9, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) và Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam (3/10/1945-3/10/2024) và phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”.

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”
Return to top