Chùa Thiên Minh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hoàn cảnh khó khăn tại phường Thủy Xuân (TP. Huế)
Chia sẻ khó khăn
Giữa cái nóng đổ lửa những ngày đầu tháng 5, khi xã Phong Hiền (Phong Điền) bị phong tỏa do có trường hợp nhiễm COVID - 19, các sư cô Ban Từ thiện xã hội (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh) đã kịp thời có mặt tại chốt kiểm soát để chia sẻ khó khăn với người dân và lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Được sự hỗ trợ của Ban Trị sự giáo hội Phật Giáo Việt Nam huyện Phong Điền cùng chính quyền địa phương, đoàn đã hỗ trợ nước sát khuẩn, khẩu trang… cùng 400 phần quà nhu yếu phẩm cho người dân bị phong tỏa.
Tại huyện Phú Lộc, đoàn của Ban Từ thiện xã hội tiếp tục có chuyến thăm và tặng quà tiếp trợ đến 24 chốt chống dịch và người dân các thôn đang bị phong tỏa như: Phú Hải (xã Lộc Vĩnh), Phước An, Phước Lộc (xã Lộc Tiến). Đoàn đã trao tặng tiếp trợ đến 24 chốt phòng, chống dịch và tặng 400 suất quà gồm mì tôm, sữa, nước giải khát... với tổng chi phí hai đợt trao quà khoảng 225 triệu đồng.
Đại diện Ban Từ thiện xã hội cho biết, đây là hoạt động ý nghĩa và thiết thực, hướng đến đại lễ Phật đản sắp được diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng. Không riêng vùng có dịch, Ban Từ thiện còn hướng về các hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, mất thu nhập do dịch bệnh để hỗ trợ kịp thời.
Trong mùa Phật đản đặc biệt này, ngoài những nghi lễ và hoạt động truyền thống hàng năm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chú trọng công tác từ thiện xã hội, kêu gọi tăng ni, cư sĩ thiện tín thập phương phát tâm cúng dường, đóng góp tịnh tài để giúp đỡ đồng bào trong vùng dịch và khu cách ly, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước phát triển.
Hiện nay, GHPGVN các huyện, thị xã, thành phố và nhiều chùa, cơ sở tự viện cũng đồng loạt triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi động viên lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các đợt trao quà đều được thông qua chính quyền địa phương và chia thành nhiều đợt, đảm bảo giãn cảnh xã hội để đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Lựu, người dân phường Thủy Xuân (TP. Huế) chia sẻ, do dịch bệnh nên công việc bán vé số bị giảm thu nhập, những phần quà của các sư cô, sư thầy giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, vơi bớt đi gánh nặng tài chính.
Đảm bảo phòng, chống dịch
Do ảnh hưởng dịch bệnh, đây là mùa Phật đản thứ hai Thừa Thiên Huế không có 7 hoa sen tôn trí trên sông Hương, không tổ chức diễu hành xe hoa, không rước Phật; không tổ chức văn nghệ cúng dường, triển lãm, phóng sinh đăng… Tăng ni, phật tử tỉnh nhà hướng về ngày Phật đản bằng các hoạt động ý nghĩa hướng về cộng đồng, được tổ chức an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, các chùa và cơ sở tự viện đã hoàn thiện trang trí để đón mừng Lễ Phật đản. Năm nay, tất cả các công việc chuẩn bị cho Đại lễ cũng hạn chế hơn những năm trước, việc trang hoàng được thực hiện đơn giản, nội bộ nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm truyền thống.
Theo thông tin từ GHPGVN tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động truyền thông về Lễ Phật đản online cũng được đẩy mạnh. Các phóng sự về đại lễ, các buổi thuyết giảng và chuyên mục hỏi đáp Phật pháp được phát trực tiếp rộng rãi trên Website riêng, Fanpage Facebook “Phật giáo Huế” và “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế” để phật tử gần xa thuận tiện theo dõi.
Bên cạnh đó, lễ Khai kinh, Mộc dục và lễ chính thức của Đại lễ Phật đản năm nay đều hạn chế dưới 20 người tham dự và được phát trực tuyến. Ông Trần Đình Xuân, phật tử sống tại phường Trường An (TP. Huế) cho biết, việc theo dõi các buổi lễ tại nhà thông qua internet là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dù ở bất cứ đâu phật tử đều bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật và cầu nguyện bình an một cách thành tâm.
Không tổ chức lập lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước Phật, xe hoa, thuyền hoa, chương trình nghệ thuật chào mừng, nhưng bằng những việc làm ý nghĩa trong mùa Phật đản năm nay, tăng ni, phật tử đã góp phần lan tỏa yêu thương, chia sẻ hạnh phúc với đồng bào, cùng nhau vượt qua đại dịch với tinh thần đạo pháp - dân tộc.
Bài, ảnh: Minh Nguyên