Tôi vừa có dịp đến Yên Bái - một trong 6 tỉnh vùng Tây Bắc mà tôi đã đi qua. Mùa này thời tiết khá lạnh. Đêm, TP. Yên Bái hầu như tĩnh lặng. Điều này cho tôi một cảm nhận, rằng dịch vụ ở đây chưa phát triển nhiều. Dịch vụ mà ít phát triển thì như thế nào nhỉ? Có thể là kinh tế đang ở mức thấp.
|
Cảnh quan ở các điểm vui chơi trong thành phố Huế bình yên, thu hút đông đảo người dân |
Nhưng nên nhớ rằng, kinh tế và hạnh phúc là hai khái niệm khác nhau. Chúng có thể hỗ trợ cho nhau nhưng không có nghĩa rằng, có cái này thì mới có cái kia và ngược lại. Cứ ngẫm mà xem, sự giàu có có thể đưa lại hạnh phúc nhưng không cứ giàu có là có hạnh phúc. Chẳng hạn, một loạt bộ trưởng, chủ tịch, bí thư một số tỉnh bị bắt gần đây họ có giàu không? Giàu, rất giàu. Nhưng nói rằng họ có hạnh phúc không? Chắc là không. Làm gì có cái thứ hạnh phúc khi ngồi tù!
Cảm nhận của tôi là Yên Bái không giàu có bằng nhiều nơi khác. Nhưng cái mà Yên Bái có là đẹp về cảnh quan, yên bình trong lối sống. Cái đẹp của thiên nhiên hùng vĩ mà hầu như tỉnh nào ở vùng Tây Bắc cũng có. Tôi cảm nhận cuộc sống của người dân, nhịp sống của đời sống nơi đây không hề vội vã. Nó cứ như thể là nhẩn nha. Kinh tế không phát triển nhiều, mà chắc là còn rất lâu nữa mới có sự đột phá về phát triển kinh tế. Thế thì người dân hạnh phúc ở chỗ nào, lấy cái gì để mà hạnh phúc!?
Hạnh phúc của người dân Yên Bái được đo lường trên 3 chỉ số cơ bản, đó là sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường đang sống và hài lòng về tuổi thọ. Hài lòng về cuộc sống có thể hiểu là không phải đo lường trên sự giàu nghèo về vật chất mà là sự hài lòng của người dân về đời sống vật chất hiện tại. Có thể hiểu nôm na là “biết đủ là đủ”. Là một tỉnh không giàu, có nghĩa là bình quân GDP đầu người không cao, nhưng hỏi người dân có hài lòng về điều kiện sống như vậy không, thì có 62,57% hài lòng về mức sống hiện tại - theo Tỉnh ủy Yên Bái là tăng hơn 9% so với cách đây 2 năm. Không biết Yên Bái đo lường chỉ số về môi trường sống là như thế nào - môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên? Nhưng cứ như một đất nước cũng đo lường chỉ số hạnh phúc của người dân mà người ta hay nhắc đến là đất nước Buhtan, thì môi trường sống chính là môi trường thiên nhiên, là sự hài lòng của người dân đối với chính phủ, thì chỉ số này ở Yên Bái đạt gần 70%. Chỉ số hài lòng về tuổi thọ là gần 80%.
Người dân chưa giàu về đời sống vật chất nhưng người dân hài lòng điều kiện vật chất đang có - đó là hạnh phúc. Người dân nhìn thấy môi trường, cảnh quan thiên nhiên nơi mình đang sống là đẹp và ra sức bảo vệ, vun đắp, không xâm hại đến nó mà làm cho nó phát triển bền vững hơn - đó là hạnh phúc. Không giàu nhưng người dân sống thọ hơn, ít bênh tật hơn - đó là hạnh phúc.
Suy đi xét lại, có lẽ mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc khác nhau, chẳng ai giống ai. Chúng ta hình dung, vật chất có thể phát triển đến một mức độ nào đó có thể dư thừa - người thì cần cái này, người thì mong ước cái kia; người thì hài lòng về sự giàu sang phú quý nhưng có người thì quý trọng về sự đơn sơ. Nhưng có lẽ cái mà mọi người dù giàu hay nghèo đều mong ước là được sống trong một môi trường chung quanh đẹp, trong lành, hòa quyện với thiên nhiên.