Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho thấy nhiều nữ đại biểu đã nỗ lực, tâm huyết với vai trò của mình. Họ đã có những phát ngôn mạnh mẽ trên diễn đàn Quốc hội, có đóng góp tích cực và sâu sắc trong hoạt động lập pháp, giám sát. Những đóng góp ấy được cử tri ghi nhận.
Tuy nhiên, thực tế, để những nữ đại biểu dân cử thực hiện được tốt hơn nhiệm vụ của mình, còn nhiều vấn đề cần bàn, nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân đang đến gần.
Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh: quochoi.vn)
Là đại diện dân cử, mỗi đại biểu trước hết là cử tri, lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đeo đuổi đến cùng những kiến nghị của cử tri. Cuộc sống luôn diễn ra và những đòi hỏi của cử tri luôn không ngừng. Vì thế, để thực hiện đúng và làm tốt chức năng đại diện dân cử, không cách nào khác, mỗi đại biểu phải hòa mình vào đời sống của cử tri và nhân dân, phát hiện, đi cùng những bức xúc, những khó khăn của người dân, theo đuổi, lắng nghe, suy xét, phân tích để từ đó có những kiến nghị để thay đổi chính sách, góp phần thay đổi những bất cập trong quản lý nhà nước. Nó đòi hỏi thời gian, năng lực, tâm huyết của người đại biểu.
Đối với các nữ đại biểu, những yêu cầu này có vẻ như khó khăn hơn nhiều. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ đại biểu nữ là 24,4%. Để thực hiện chức trách cử tri giao phó, các nữ đại biểu dân cử đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh của mình. Đó là những phát ngôn thẳng thắn, sắc sảo trên nghị trường, là những đóng góp trong sáng kiến xây dựng luật và trong các phiên thảo luận dự thảo luật, là những trăn trở, những đề xuất mạnh mẽ trong các cuộc giám sát chuyên đề, các phiên giải trình.
Nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu tới năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp từ 35-40% mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đề ra vẫn là một thách thức không nhỏ.
Định kiến về giới là một trong những rào cản. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ vốn đặt trách nhiệm nặng hơn đối với người phụ nữ thì khi tham gia hoạt động quản lý, phụ nữ còn gặp những áp lực khác. Đó là quan niệm cố hữu về giới trong quản lý, sử dụng cán bộ, mặc dù quan niệm này có phần cởi mở hơn so với trước đây.
Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động trong các cơ quan dân cử, ngoài sự đồng thuận, ủng hộ của những người trong gia đình, còn phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bà Chi phân tích: “Từ khi có luật bình đẳng giới, rõ ràng qua nhiều năm đã dần có sự thay đổi trong nhận thức, có nhiều địa phương quan tâm hơn tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò của mình. Sự tham gia của phụ nữ để đảm bảo sự bình đẳng nằm trong quyết định của người đứng đầu của các tỉnh. Nếu lãnh đạo nào, ban thường vụ của tỉnh nào quan tâm hơn thì ở địa phương đó cán bộ nữ được bố trí ở những vị trí tương đối và có điều kiện phát triển hơn”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, nhận thức xã hội cũng dần thay đổi và thực tế, phụ nữ đã khẳng định được mình hơn trong xã hội. Nhưng để tạo thuận lợi hơn cho họ, cần có quá trình và những cơ chế, tiêu chí rất cụ thể.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng phải có biện pháp để giúp phụ nữ có được đầy đủ phẩm chất, năng lực, bằng cấp như nam giới, tạo điều kiện cho nữ tham gia lớp nâng cao trình độ chuyên môn, ưu tiên trong quá trình hoạt động, cần có chỉ tiêu, tiêu chí đinh lượng cụ thể ví dụ tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo là bao nhiêu và đối với đơn vị không có vị trí lãnh đạo là nữ cần có chiến lược đào tạo phụ nữ để họ sớm đứng vào vị trí lãnh đạo.
Bên cạnh việc xây dựng những tiêu chí, những cơ chế cụ thể để hiện thực hóa quy định về bình đẳng giới, phụ nữ luôn cần nỗ lực để tự nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực hoạt động của bản thân.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhận định: để tiếng nói của nữ đại biểu dân cử mạnh mẽ hơn, tỷ lệ đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử phải tăng lên, tương ứng với chất lượng cũng phải tăng lên.
“Trước tiên người phụ nữ phải đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn cần thiết, sắp xếp công việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công, vượt qua khó khăn”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nói.
Cùng chung quan điểm này, theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tố chất quan trọng nhất cần có ở đại biểu Quốc hội, đặc biệt ở những nữ đại biểu Quốc hội là bản lĩnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng trong nhiệm kỳ mới, xã hội ngày càng đòi hỏi công việc cao hơn, trách nhiệm cao hơn thì người phụ nữ phải phấn đấu nhiều hơn. Tố chất tôi nghĩ đó là bản lĩnh. Phải có bản lĩnh vững vàng và kiên quyết, làm đại biểu Quốc hội phải bản lĩnh và kiên quyết.
Những đóng góp, kiến nghị về chính sách, pháp luật của Quốc hội sẽ đa chiều, sâu sắc và đầy đủ hơn khi có tiếng nói của đại biểu nữ. Để nữ đại biểu dân cử phát huy tốt vai trò của mình, bên cạnh việc cần bảo đảm tỷ lệ thích hợp, cần tạo môi trường thuận lợi để chất lượng hoạt động của họ được nâng lên và được khẳng định.
Theo VOV