Phòng khám từ thiện Kim Long là địa chỉ từ thiện tin cậy của nhiều hoàn cảnh khó khăn
Trợ lực cho người nghèo
Đều đặn mỗi tháng, ông N.Đ.Q trú tại phường Kim Long (TP. Huế) lại đến Phòng khám từ thiện Kim Long khám định kỳ và nhận thuốc miễn phí. Ông Q. có tiền sử tai biến mạch máu não, sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng như trước nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Từ ngày được phòng khám hỗ trợ, ông đỡ được gánh nặng 300 nghìn đồng tiền thuốc điều trị mỗi tháng. “Tuy là phòng khám từ thiện miễn phí nhưng tôi luôn được đội ngũ bác sĩ, nữ tu thăm hỏi tận tình. Có tháng phòng khám dừng hoạt động, tôi được cấp gấp đôi số thuốc để việc điều trị không bị đứt quãng”, ông Q. cảm kích.
Nữ tu Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng khám từ thiện Kim Long cho biết, phòng khám đã trở thành địa chỉ thân quen của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với đội ngũ hơn 20 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng là nữ tu và các tình nguyện viên là bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 120 lượt khám và điều trị miễn phí, không phân biệt tôn giáo. Kinh phí hoạt động do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ.
“Bên cạnh khám chữa bệnh miễn phí, phòng khám còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bệnh nhân HIV tại cộng đồng; tập trung chủ yếu vào các chương trình truyền thông, giảm kỳ thị và hỗ trợ tinh thần, vật chất cho bệnh nhân. Những năm qua, phòng khám đã giúp đỡ cho nhiều người nhiễm HIV và hỗ trợ an táng cho khoảng 160 bệnh nhân AIDS”, nữ tu Nguyễn Thị Hiền thông tin thêm.
Phòng khám Đa khoa Tuệ Tĩnh đường Hải Đức cũng là một trong hai cơ sở có thành tích trong công tác khám chữa bệnh từ thiện nhân đạo được Trung ương MTTQVN và Bộ Y tế tuyên dương đầu năm 2019. Năm 2018, phòng khám đã tiếp nhận tổng cộng hơn 49 nghìn lượt bệnh nhân khám chữa bệnh miễn phí, với các chuyên khoa như: Nội tổng quát, tai - mũi - họng, da liễu, sản phụ khoa, nha khoa, chẩn trị, châm cứu, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, xét nghiệm, siêu âm, X-quang…
Tiếp tục phát huy
Ông Dương Đình Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh thông tin, toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện do các tôn giáo thành lập (11 cơ sở của Phật giáo, 5 cơ sở của Công giáo). Đối tượng đến khám và điều trị tại các cơ sở chủ yếu là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có các bệnh mãn tính. Chỉ tính trong 5 năm (2014 - 2018), các phòng khám từ thiện do tôn giáo thành lập đã khám và điều trị cho hơn 1,7 triệu lượt bệnh nhân.
Nhìn chung, các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ; đội ngũ bác sĩ, y sĩ đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn khám chữa bệnh. Đa số các cơ sở đều có giấy phép hoạt động hành nghề khám chữa bệnh, có nội quy riêng được công khai, có sổ sách theo dõi bệnh nhân đến khám và điều trị.
Thời gian qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh luôn quan tâm phối hợp với Sở Y tế giúp đỡ các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo như tạo điều kiện cho nhiều chức sắc, nam, nữ tu sĩ và tín đồ tôn giáo tham gia dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”. Qua đó, các tôn giáo đã phát triển và mở rộng mạng lưới chăm sóc, tư vấn cho người có HIV/AIDS tại cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động dự phòng; huy động tu sĩ, tín đồ cộng tác viên đến vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và chăm sóc y tế cho người nhiễm HIV/AIDS... Đồng thời hỗ trợ, vận động các cơ sở này hoàn tất các thủ tục pháp lý đáp ứng các yêu cầu, quy định của Nhà nước
Theo ông Luân, thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tiếp tục hỗ trợ mô hình trên để các hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tiếp tục cụ thể hóa công tác xã hội hóa các hoạt động xã hội bằng văn bản, tạo khung pháp lý cho các tổ chức, cá nhân nói chung và các tôn giáo nói riêng thuận lợi trong việc tham gia hoạt động xã hội.
Bài, ảnh: MINH NGUYÊN