Tại Trường cao đẳng Giao thông vận tải tỉnh (ảnh), nhiều bằng lái xe đang bị “kẹt” do chưa được thanh toán chi phí đào tạo
Đợi chờ
Thực hiện chủ trương của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) về việc đào tạo nghề cho các đối tượng ảnh hưởng SCMTB, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị đào tạo sát hạch GPLX ô tô trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp khóa học, nhiều người thuộc đối tượng ảnh hưởng SCMTB được học nghề lái ô tô miễn phí nhưng chưa được nhận bằng.
Khảo sát của PV ở một số địa phương vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, nhiều học viên học lái ô tô tại Trường cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh, Trường cao đẳng Nghề số 23 – Bộ Quốc phòng tốt nghiệp khóa học lái ô tô đã lâu. Theo thời hạn quy định (sau 15 ngày) thì sẽ được cấp GPLX nhưng đến nay số học viên này vẫn chưa được trường cho nhận bằng.
Anh Đặng Văn T. (một người dân trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cho biết, cũng như hàng trăm học viên khác, anh được đào tạo nghề miễn phí vì thuộc đối tượng ảnh hưởng SCMTB. Sau khi nhận được thông báo của địa phương, anh T. tham gia khóa học bằng lái xe B2 do Trường cao đẳng GTVT tỉnh mở lớp đào tạo từ tháng 9/2018. Đến giữa tháng 12/2018, anh T. cùng với các học viên khác tốt nghiệp khóa học, được cấp chứng chỉ nghề để tiến hành thi quốc gia và được trường hẹn sẽ trả GPLX. Tuy nhiên, sau 15 ngày như giấy hẹn của đơn vị đào tạo, anh T. cùng nhiều người liên hệ với nhà trường lấy GPLX nhưng nhà trường không cho nhận. Lý do trường đưa ra là vì chính quyền địa phương chưa chi trả học phí cho trường.
“Trước khi học, chúng tôi đã được chính quyền địa phương xác nhận thuộc đối tượng đào tạo miễn phí. Mỗi học viên cũng phải nộp tạm ứng 3 triệu đồng cho nhà trường, bây giờ GPLX chưa lấy được trong khi nhu cầu công việc lại rất cần nên khiến chúng tôi kiếm việc làm rất khó khăn”, anh T. lo lắng.
Danh sách học viên “chờ” cấp bằng lái ở Thuận An (Phú Vang)
Địa phương chi trả chậm
Ông Ngô Sĩ Các, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng GTVT tỉnh, thừa nhận sự việc trên và khẳng định nhà trường hiện nay đang giữ GPLX của các học viên do địa phương chưa tiến hành chuyển kinh phí đào tạo. “Chúng tôi giữ lại bằng cũng vì “bất đắc dĩ” bởi nếu đưa bằng lái cho học viên thì trường không biết bao giờ thanh toán được tiền trong khi thỏa thuận khóa học ban đầu đã quy định rõ”, ông Các nói.
Theo ông Các, sau khi có công văn của Bộ LĐTB&XH về việc đào tạo nghề cho các đối tượng ảnh hưởng SCMTB, nhà trường đã phối hợp với UBND các huyện Phú Vang và Phú Lộc để đào tạo lái xe cho người dân trong vùng ảnh hưởng có nhu cầu. Trong đó, huyện Phú Vang có 541 học viên và huyện Phú Lộc có 87 học viên học bằng lái xe hạng B và C. Hiện đã có gần 200 học viên tốt nghiệp từ 1-2 tháng và theo ông Các thì quy định sau 15 ngày các học viên sẽ được nhận GPLX.
“Các đối tượng này được hỗ trợ khoảng hơn 8 triệu đồng, bao gồm học phí 6 triệu đồng, tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày và các khoản khác. Nhà trường chỉ mới thu tạm ứng của mỗi học viên vài triệu đồng, các huyện chưa chi trả dù chúng tôi đã gửi hồ sơ cho họ thẩm định đã lâu nên chưa thể trả GPLX cho học viên”, ông Các cho biết thêm.
Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Vang cho rằng, công tác chi trả kinh phí đào tạo GPLX cho các đơn vị đào tạo chậm là do trước đó trong quá trình thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian. Đến nay, Phòng LĐTB&XH đã chuyển công văn đề nghị Phòng Tài chính tham mưu UBND huyện cấp kinh phí đào tạo GPLX cho các học viên đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, do cuối năm, công việc ở Phòng Tài chính huyện nhiều nên chưa thể cấp kinh phí.
“Hiện nay khóa học của các học viên ở thị trấn Thuận An đã xong, phòng đã thẩm định và chuyển hồ sơ đề nghị chi trả kinh phí. Riêng lớp tại xã Vinh Hà vẫn chưa xong và đang chuyển hồ sơ về. Phía đơn vị sẽ tiếp tục đốc thúc các phòng liên quan sớm chi trả và dự kiến trước tết sẽ có”, ông Mâng khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Lộc cho biết, theo danh sách các học viên đăng ký học ban đầu toàn huyện có trên 400 học viên ở 12 xã bị ảnh hưởng SCMTB. Tuy nhiên, trong quá trình theo học, các học viên bỏ học giữa chừng khá nhiều. Đến nay, mới có 110 học viên (trong đó có 33 học viên tự do bên ngoài) đã được các điểm đào tạo sát hạch GPLX trên địa bàn cấp chứng chỉ đào tạo và đã tốt nghiệp. Số hồ sơ này Phòng LĐTB&XH huyện đang thẩm định và đề xuất Phòng Tài chính chi trả kinh phí; dự kiến trong tuần này sẽ có. Số còn lại do chưa học xong khóa học, chưa được cấp chứng chỉ đào tạo nên chưa thể thanh toán.
Bài, ảnh: Hà Nguyên