Chuyện bước chân vào hoặc rút chân ra khỏi thị trường là chuyện bình thường của nền kinh tế thị trường. Điều này, ở một mặt nào đó nó thể hiện sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoạt động kinh tế. Trong nền kinh tế của Việt Nam, ở mức độ nào đó, môi trường cạnh tranh chưa hẳn là đã minh bạch, sòng phẳng và tốt… cho nên việc doanh nghiệp (DN) thành lập mới, DN ngưng hoạt động chưa hẳn đã phản ánh đúng bản chất tổng thể của bức tranh hoạt động của DN. Tuy nhiên, con số DN rút chân ra khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2023 cho chúng ta thấy một số điều về quy mô và tính chất của DN. Hơn 60.000 DN, tức là trung bình hơn 20.000 DN ngưng hoạt động mỗi tháng không phải là con số nhỏ.
|
|
Công nhân phân loại gà con ở Công ty cổ phần 3F Việt |
Con số nêu trên cho thấy tính dễ bị tổn thương của DN. Mà có lẽ nó cũng phù hợp với bức tranh tổng thể của DN Việt Nam, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đặc điểm nổi bật của DN nhỏ là “thiếu đủ điều” từ nguồn lực tài chính đến nhân lực. Do quy mô nhỏ nên điều kiện để tiếp cận đất đai, nguồn vốn tín dụng khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực không cao và dễ biến động… Do vậy mà DN dễ bị tác động, không thể vượt qua được khi có những khó khăn nào đó (dù chưa phải là lớn lắm).
Sự biến động của DN cũng không cho thấy những tác động lớn lắm đến nền kinh tế. Bằng chứng là GDP vẫn tăng (ước tính 3,32% trong quý 1/2023), thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng. Điều làm chúng ta chú ý đến con số DN ngưng hoạt động có lẽ là ở khía cạnh xã hội. Với tính chất là DN nhỏ, dù dễ biến động nhưng nó hoạt động rất uyển chuyển. Nhờ lực lượng này mà nó “lấp đầy” những ngóc ngách mà thị trường còn thiếu và cần.
Nhỏ nhưng với số lượng đông đảo, nên nó cũng đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước chúng ta thu được cũng một phần từ khối này để “tích tiểu thành đại”. Và nó cũng đóng góp quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Giả sử, mỗi DN có mười hoặc vài chục lao động thôi thì hàng trăm ngàn DN đã giải quyết được một lực lượng lao động không hề nhỏ. Cho nên, những biến động lớn của nhóm DN này sẽ có tác động lên thị trường lao động. Chúng ta thử hình dung, giả sử như mỗi DN chỉ giải quyết chừng 10 lao động. Hơn 60.000 DN ngưng hoạt động thì sẽ có 600.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Số lao động này sẽ đi đâu? Có thể một phần nhờ các DN (cũng nhỏ) mới ra đời dung nạp (nhưng không dễ, ít nhất là nó làm đứt quãng công ăn việc làm). Nhưng khả năng lớn nhất là phần lớn sẽ gia nhập thị trường lao động tự do, mà chúng ta thường gọi là khu vực lao động không chính thức. Ở đây, mạng lưới an sinh xã hội hết sức bấp bênh.
Đến đây thì chúng ta thấy một khía cạnh đáng quan tâm của việc các DN (dù quy mô nhỏ) rút chân ra khỏi thị trường. Nhìn qua các con số vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tăng trưởng tín dụng, chúng ta sẽ không thấy hết “tác hại” của con số hơn 60.000 DN rút chân ra khỏi thị trường. Nhưng nhìn ở khía cạnh lao động (như trên đã nêu), nhìn ở khía cạnh xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ những tác động đáng quan tâm.
Thống kê là để biết. Nhưng sự biết này trở nên có ý nghĩa hơn là phải có một phân tích và đánh giá tổng thể để có những giải pháp hỗ trợ thiết thực. Vì sao DN ngưng hoạt động nhiều vậy, ở lĩnh vực nào nhiều nhất, giải pháp để hỗ trợ DN về lâu dài như thế nào? DN ít biến động thì công ăn việc làm của người lao động ổn định.