ClockThứ Sáu, 20/11/2015 07:20

Gánh quê lên phố

TTH - Từ một món ăn miền quê dân dã, bình dị, ngày nay, khoai, sắn.. trở thành một món quà quê đối với người dân thành thị. Món quà quê có mặt ở thị thành như một cách đưa người xa quê trở về nơi chôn rau cắt rốn trong phút chốc, hay để người sinh ra và lớn lên ở thành thị nếm thử, trải nghiệm một hương vị mới lạ.

Những món ăn dân dã đậm hương vị miền quê được người thành thị yêu thích

Vào những ngày chớm đông, tiết trời se lạnh cùng với những cơn mưa phùn đậm chất xứ Huế, khi đi ngang qua đường Lê Lợi đoạn trước cổng Trường đại học Sư phạm Huế khó ai tránh khỏi bị mê hoặc bởi mùi ngô luộc, khoai lang nướng thơm phức, bao trùm cả một không gian.

Ở một góc nhỏ nơi chợ Cống, đã 5 năm nay chị Bé (ở Phú Vang) vẫn lấy việc bán khoai, sắn luộc làm nghề mưu sinh. “Khoai, sắn ở quê đến mùa thu hoạch bán cũng chỉ được vài ngàn một cân, nên tui mới nghĩ ra việc luộc xong đem lên phố bán. Ấy vậy mà cũng có rất nhiều người mua, từ đó bất kể mưa nắng tui đều lên đây bán. Nhà mình hết khoai thì mua ở chợ về luộc bán kiếm lời, đến mùa bắp tui thường đến cồn Hến mua về luộc bán thêm với khoai, sắn”.
Mang bộ đồng phục có phù hiệu lớp 4 Trường tiểu học Lê Lợi, cùng cặp sách lỉnh kỉnh trên vai, khi mẹ dừng xe bên hàng khoai của chị Bé, cậu bé nhanh nhẩu nói:“Bán cho con như mọi khi bác nhé, mà nhớ thêm cho con một củ nữa đấy”. 
“Khách “ruột” của tui đó, nó láu cá lắm cứ khen khoai bác ngon để đòi thêm thôi. Bán ở đây đã mấy năm, khách quen có, khách lạ cũng có nhưng đa số không ai trả giá hay chê đắt, rẻ. Mình bán sao cho hợp lẽ, để lần sau họ còn quay lại mua nữa”, chị Bé vui vẻ nói.
Công việc bận rộn, tất bật là thế nhưng ông Phương (quê Quảng Bình, đang ở đường Nguyễn Lộ Trạch) vẫn không quên thỉnh thoảng ghé hàng chị Bé mua một ít khoai sắn luộc… “Ra phố ở gần 30 năm rồi mà không thể quên được cái thời ăn cơm độn thêm khoai, sắn. Thời đó, chỉ mong được một bữa cơm trắng và cứ nghĩ sau này cuộc sống khá giả hơn chắc chẳng bao giờ ăn lại mấy thứ đó. Ấy vậy, giờ chỉ vài bữa không ăn là thấy nhớ, thấy thiếu hương vị quê hương. Thỉnh thoảng cả nhà cùng ngồi ăn khoai, sắn lại kể cho con cái nghe về quê cha đất tổ, về tuổi thơ khó nhọc của mình”, ông Phương tâm sự.
Bỏ những củ sắn nóng hổi vào bì cho khách, chị Ngân (ở Hương Thủy) cho biết, cứ đầu giờ chiều chị lại đạp xe lên Huế bán khoai sắn luộc. Thường thì chị gửi xe đạp ở Bến xe phía Nam sau đó bưng đi bán dạo. Khen khoai luộc vừa thơm vừa ngon, chị không ngần ngại chia sẻ: “Luộc khoai, sắn ngon... rất đơn giản, chỉ cần rửa thật sạch cho vào nồi thêm vào một ít muối sau đó đổ nước sấp mặt. Luộc đến khi có thể xiên bằng đũa, sau đó chắt hết nước đun thêm một chút khoai, sắn sẽ không bị nhão mà thơm ngon”.
Là thực phẩm không thể để qua ngày nên mỗi ngày chị chỉ luộc chừng 15 đến 20 kg, hôm nào mưa thì ít hơn. “Thường thì khoảng tầm 4 đến 5 giờ chiều là khách đông nhất, hôm nào gặp may thì được về sớm, có hôm ế cũng ráng bán đến 8, 9 giờ tối vì mang về coi như phải bỏ. Kiếm vài chục mỗi ngày phụ thêm nuôi con cái ăn học chứ ở quê trong vào mấy sào ruộng sao đủ”, chị Ngân bộc bạch.
Vừa quạt cho những viên than đỏ rực, vừa trở để khoai chín đều bà Hai (bán khoai lang nướng ở đường Lê Lợi) cho biết, tầm này mấy năm trước là mùa rét rồi, khoai lang, bắp nướng không kịp để bán. Bắp non ở đây được nướng rất đặc biệt. Bắp được nướng chín qua sau đó quét lớp là mỡ, hành, nước mắm và tương ớt lên bề mặt. Khi chín bắp không chỉ thơm béo mà còn thêm chút cay nồng đúng khẩu vị người Huế.
Là món ăn dân dã, lại có hương vị thân quen, hay mới lạ tùy thuộc vào người thưởng thức. Không biết từ bao giờ, những món ẩm thực vùng quê len lỏi giữa nhịp sống sôi động của con người phố thị vẫn vẹn nguyên hương vị miền quê.
 
Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo

Ngày 7/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế” năm 2024.

Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo
Hoa nở trên chiến trường xưa

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954, Điện Biên bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Từ chỗ là chiến trường đổ nát, hoang tàn, bằng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây, phát triển, ĐBP hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, từng bước phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực Tây Bắc.

Hoa nở trên chiến trường xưa
Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Ngày 7/5/1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng De Castries (Đờ Cát) cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ, toàn bộ quân địch đã đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!

Ngày 7 5 1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng
Return to top