ClockThứ Ba, 02/07/2019 05:45

Giải quyết những vấn đề toàn cầu từ Di chúc của Bác

TTH - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bàn đến “những vấn đề toàn cầu” theo những khái niệm hiện nay, song những gì Người cống hiến cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại đã hàm chứa một định hướng. Đọc lại Di chúc của Người, có thể thấy những phương cách giải quyết các vấn đề chung đang đặt ra bức xúc không chỉ riêng với Nhân dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại hiện nay.

Điều “đầu tiên” trong những dòng cuối cùng của Người

Bác Hồ răn dạy cán bộ từ việc trồng cây. Ảnh: Tư liệu

Khái niệm Những vấn đề toàn cầu bao gồm một loạt những vấn đề đang đặt ra nóng bỏng trước toàn nhân loại cũng như trước từng quốc gia, trước mỗi cộng đồng. Đó là nạn ô nhiễm, biến đổi khí hậu do tàn phá môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; khoảng cách trong phát triển; áp lực bùng nổ dân số; những bệnh tật hiểm nghèo; nạn khủng bố, buôn bán ma túy và vũ khí xuyên quốc gia...

Ngày nay, nghèo đói, bệnh tật, thất học, chạy đua vũ trang và những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị đẫm máu vẫn diễn ra khắp nơi trên hành tinh. Ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hoà bình, giữ gìn màu xanh trên trái đất vẫn là những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại tiến bộ.

Việc giải quyết những vấn đề toàn cầu hiện nay liên quan tới sự tồn vong của toàn nhân loại. Không một quốc gia hoặc cộng đồng nào có thể đứng ngoài cuộc, hoặc tự mình giải quyết. Việc giải quyết những vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp hành động, đòi hỏi mọi người phải xích lại gần nhau hơn.

Trong quá khứ, Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu để bảo vệ những quyền thiêng liêng của dân tộc, nhưng chúng ta cũng biết tìm những con đường hoà bình để giải quyết những mục tiêu trong cuộc chiến đấu đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hoà bình, con đường hoà bình để đem lại hoà bình cho Tổ quốc với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc. Người là hiện thân của hoà bình, của văn hoá hoà bình. Trong những dòng cuối cùng để lại, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề quốc tế luôn hướng đến điều hoà sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc thêm hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, hướng tới hoà bình và thịnh vượng.

Việt Nam đang cùng với các nước tích cực giải quyết những vấn đề lớn của thời đại. Sự nghiệp xây dựng, phát triển của Nhân dân Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, công bằng không tách khỏi những nỗ lực chung của cả nhân loại để thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn, không tách khỏi cuộc đấu tranh chung để thoát khỏi đói nghèo và bệnh tật, thoát khỏi chiến tranh và những thảm hoạ đang đe dọa con người. Trên con đường đó, Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước.

Trong Di chúc, Người căn dặn: “... Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống là một mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng điều quan tâm lớn nhất trong tâm nguyện của Người là việc tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp hơn cho con người - trong đó con người và những giá trị của con người được tôn trọng và bảo vệ, con người được sống trong hoà bình và có đầy đủ những cơ hội để phát triển. Người căn dặn: Sau chiến tranh, nhiệm vụ rất quan trọng là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Một loạt những chính sách cụ thể với từng tầng lớp xã hội: thương binh, liệt sĩ và các gia đình chính sách, thanh, thiếu niên, phụ nữ, nông dân, cả với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ… được Người nêu trong Di chúc khi viết về những công việc sau chiến tranh đã vượt lên thời gian để trở thành những định hướng cho chúng ta trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước hôm nay. Những công việc mà Người trù liệu cho chúng ta sau ngày chiến thắng được đề cập đến trong Di chúc vừa thiết thực, cụ thể vừa mang tính chiến lược cả trong thiên niên kỷ tới.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những định hướng phát triển đất nước trong Di chúc không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với Nhân dân Việt Nam mà còn mang nhiều giá trị với các quốc gia đang phát triển trong cuộc đấu tranh để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu hôm nay để các thế hệ tương lai được sống trong một thế giới hòa bình và phát triển, giữa môi trường thiên nhiên trong lành và một môi trường xã hội tốt đẹp hơn.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những căn dặn của Người về giáo dục – đào tạo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Suốt đời dành tâm trí cho sự nghiệp giáo dục, trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết’’.

Những căn dặn của Người về giáo dục – đào tạo

TIN MỚI

Return to top