ClockThứ Hai, 27/11/2023 10:37

Giảm họp không cấp thiết

TTH - Sẽ không ngạc nhiên khi nói cán bộ lãnh đạo bận rộn nhất là phải họp, bị “triệu tập” dự họp. Nhiều cán bộ lãnh đạo được hỏi đều cho rằng, cần có giải pháp nhằm giảm bớt những cuộc họp vô bổ, tốn thời gian, công sức... Đó cũng chính là biện pháp để cải cách hành chính trong hệ thống chính trị hiện nay.

Mô hình kinh doanh bền vững và lợi nhuận từ sản xuất xanh Hướng về cơ sở tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Họp trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả. Ảnh minh họa: quochoi.vn 

1.Theo một lãnh đạo Bộ Nội vụ, mỗi năm có khoảng 400 giấy mời họp trực tiếp. Sơ bộ không chính thức ở Trung ương và địa phương trên cả nước có khoảng 3.000 cuộc họp mỗi ngày, chưa kể họp của cấp dưới, cấp cơ sở. Theo lãnh đạo một sở ở TP. Hồ Chí Minh, 4 lãnh đạo chỉ trong 7 tháng đã có xấp xỉ 2.000 cuộc họp. Ở tỉnh ta, nhìn vào các phòng họp ở trụ sở UBND tỉnh không ngày nào thiếu ánh đèn của những cuộc họp…

Lãnh đạo các cấp mỗi tuần, mỗi tháng ngoài phải dự họp chính thức thì còn nhiều cuộc họp ít liên quan đến chức trách nhưng vẫn “bị triệu tập”. Không dự không được. Có những cuộc họp mời đại diện các cơ quan căn cứ vào chức vụ của lãnh đạo nhằm làm cho cuộc họp trở nên quan trọng, mà chưa quan tâm đến tính chất cần bàn, đề xuất, phản biện. Do số lượng lãnh đạo có hạn nên khi được triệu tập nhiều cơ quan phải cử cấp phó, cấp phòng, thậm chí là cử chuyên viên đi thay (dù triệu tập là cấp trưởng). Cho nên thường thấy một số cán bộ đi dự họp thay không phát biểu hoặc không có ý kiến của cơ quan mình chỉ vì sợ sai. Câu cửa miệng là: “Tiếp thu về báo cáo lại”! Có cơ quan biết tính chất cuộc họp muốn cử người đi thay nhưng sợ bị cấp trên phê bình nên buộc phải “xách cặp đi họp cho phải lệ”.

Nhìn vào các cuộc họp mang tính chuyên đề, bàn sâu mới là điều đáng bàn. Những kiểu họp như: Họp định hướng, góp ý dự thảo, họp thông qua đề án, họp kết luận, họp sơ kết, tổng kết, họp thẩm định, tư vấn, họp liên ngành, họp công bố kiểm tra, thanh tra, họp ban chỉ đạo, tổ công tác... Chưa kể các đầu mối liên quan đến dân, ở cấp cơ sở lại phải theo quy định lấy ý kiến cử tri, tiếp dân… cho đến nhiều cuộc họp lãnh đạo dự mang tính thủ tục, chất lượng không có bao nhiêu.

Chúng ta thường lấy lý do “lấy ý kiến tập thể” cho khách quan, dân chủ, tập hợp được nhiều ý kiến, nhưng có những cuộc họp là để hợp thức hóa ý chí cá nhân, kết luận quyết định cuối cùng của người chủ trì. Ngược lại, lãnh đạo không nắm được vấn đề, năng lực yếu lại, không nắm được chức năng, không dám quyết đoán muốn dựa vào ý kiến tập thể để thoái thác trách nhiệm. Nhiều nội dung công việc phải chờ họp, chờ lấy ý kiến, dẫn đến trì trệ, ách tắc, không giải quyết kịp thời. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm đã kéo sự trì trệ vào các cuộc họp.

Họp hành nhiều không những tốn kém thời gian, công sức của lãnh đạo mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Những cơ quan giải quyết công việc có liên quan đến người dân cũng ảnh hưởng không kém khi cán bộ giải quyết, ký giấy tờ bận họp, giải quyết không kịp. Câu chuyện lùm xùm liên quan đến ký giấy chứng tử một đơn vị cấp phường ở Hà Nội vài năm về trước có nguyên nhân từ "bận họp" mà ra. Những giải thích đều có lý nhưng dư luận không thể không hoài nghi về vấn đề tiêu cực, lấy lý do bận họp để gây khó xuất hiện nhiều ở lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là đất đai và các vấn đề nhạy cảm khác. Điệp khúc: "Hẹn - bận họp" xuất hiện khá phổ biến. Nói vậy để thấy cái lý bận họp đôi khi rất gần với nhũng nhiễu, tiêu cực.

2. Lý do buộc phải họp nhiều là trong cơ cấu tổ chức còn chồng chéo, lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong cùng một cấp. Chúng ta đang ảnh hưởng nặng về cơ chế làm việc tập thể, vấn đề từ lớn đến nhỏ đều đưa ra bàn tập thể trở thành thông lệ. Việc phân định chức năng giữa một số cơ quan chưa rõ ràng, chồng chéo, tham gia một việc nhưng không có người chịu trách nhiệm cao hơn nên phải họp đủ thành phần để thống nhất. Chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được quy trách nhiệm rõ ràng. Chức trách trên - dưới và ngay giữa 3 cấp ở cùng địa phương cũng có thực trạng tương tự. Vấn đề năng lực, tính quyết đoán, tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý đang là một tồn tại, kéo tập thể vào để cùng chia sẻ sinh ra họp hành nhiều là khó tránh khỏi.

Giải pháp để giảm các cuộc họp không cần thiết cũng như nâng cao chất lượng từng cuộc họp, đề cao trách nhiệm cá nhân là yêu cầu cần thiết. Nói cách khác là từng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hành tốt “đúng vai, thuộc bài”. Nguyên tắc cơ bản là từng bộ phận, cá nhân thực hiện đúng quyền hạn và chức năng của mình theo quy định của pháp luật, phát huy cao nhất vai trò người đứng đầu. Từng lãnh đạo cần tự nâng cao năng lực, trách nhiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, nhanh nhất có thể. Những vấn đề liên quan chức năng, công việc đã được giao quyền hoặc phân cấp  phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây không chỉ là chức năng hành chính mà còn là chức trách phục vụ Nhân dân.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp

Tạp chí Bloomberg ngày 12/3 trích dẫn một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Giao thông & Môi trường (T&E) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới đều không đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm làm giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của các nhân viên trong doanh nghiệp.

Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp
Return to top