Các chuyên gia người Thái Lan đang công tác tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Điền Hương - Phong Điền) đang trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ về quy trình nuôi tôm sạch. Ảnh: Thái Bình
Khó từ đâu?
Luật BHXH năm 2014 quy định đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế, BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài vẫn chưa thực hiện. Nguyên nhân, do chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Thậm chí, có những tình huống cụ thể phát sinh trong thực tế khiến doanh nghiệp và người lao động bối rối, không biết giải quyết ra sao.
Điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại chính là rào cản về ngôn ngữ khi tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài, đặc biệt trong hoạt động đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở các cơ sở y tế. Không ít nơi chưa có hướng dẫn cụ thể về mức hưởng bằng tiếng nước ngoài, còn thiếu cán bộ chuyên môn phụ trách đảm nhiệm, trong khi người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ách tắc xảy ra từ đó.
Không ít người lao động nước ngoài băn khoăn về quyền lợi chi trả BHXH cũng như trường hợp nào bắt buộc đóng BHXH và đóng với tỷ lệ bao nhiêu. Trường hợp người lao động chuyển từ nước ngoài sang nhưng theo hình thức di chuyển nội bộ hay người nước ngoài đã tới tuổi nghỉ hưu thì có thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc hay không, cũng là câu hỏi được đặt ra.
Chuyện ở Thừa Thiên Huế
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đa phần là các chuyên gia được cử sang Việt Nam để thực hiện giám sát, lắp đặt máy móc kỹ thuật nên số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh không nhiều. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số lao động người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc trên địa bàn tỉnh là 278 người. Đối tượng thuộc diện phải tham gia BHXH là 48 người từ ngày 01/12/2018 (chiếm tỷ lệ 37%). Số còn lại tập trung vào các đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH, như: chuyên gia, lao động kỹ thuật di chuyển nội bộ doanh nghiệp sang Việt Nam; đã tham gia BHXH tại các tỉnh, thành phố khác đóng trụ sở chính.
Thực hiện Nghị định 143, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát, cung cấp danh sách lao động là người nước ngoài đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép làm việc. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh ban hành công văn cũng như hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia cho các đơn vị có người lao động nước ngoài vào làm việc. Đây là đối tượng mới tham gia và không am hiểu lắm các quy định pháp luật Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, kể từ ngày 01/12/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động; hoặc chứng chỉ hành nghề; hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Người sử dụng lao động là công dân nước ngoài hàng tháng đóng vào quỹ ốm đau và thai sản (3%); quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (0,5%) và kể từ ngày 01/01/2022 quỹ hưu trí và tử tuất (14%), người lao động là công dân nước ngoài đóng bằng 8%.
Cần chủ động thực hiện
Nghị định 143 có hiệu lực từ 1/12/2018 nhưng phải tới ngày 1/1/2022, người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc mới phải đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động cũng không thuộc trường hợp phải đóng BHXH bắt buộc.
Lộ trình đã được kéo giãn đến năm 2022 mới thực hiện hai chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất là lý do chính giúp các doanh nghiệp tham gia BHXH có điều kiện và thời gian thực hiện các chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, Nghị định 143 là văn bản mới, rất cần thông tư và văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Tại Thừa Thiên Huế, trên cơ sở các quy định tại Nghị định 143 danh sách lao động người nước ngoài đang tham gia BHYT trước ngày 01/12/2018, BHXH tỉnh đã chủ động cung cấp danh sách lao động cho các đơn vị sử dụng lao động thực hiện rà soát, xác định đúng đối tượng tham gia BHXH để lập danh sách tham gia BHXH, BHYT kịp thời cho người lao động. Căn cứ danh sách lao động người nước ngoài được cấp giấy phép lao động của các cơ quan chức năng, BHXH tỉnh thực hiện đối chiếu với cơ sở dữ liệu hiện đang quản lý để thông báo bằng văn bản cho các đơn vị chưa tham gia đầy đủ BHXH cho người lao động và yêu cầu đơn vị nghiêm túc thực hiện nếu không sẽ xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Dự kiến thời gian tới, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành làm việc với từng đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia BHXH đầy đủ cho người nước ngoài để hướng dẫn, đôn đốc đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% lao động là người nước ngoài tham gia BHXH.
Huế Thu