ClockThứ Năm, 20/06/2019 06:15

Huế phải trở lại vị thế của mình!

TTH - “Là vùng đất cố đô một thời vàng son, là xứ sở văn hóa, nhưng do trải qua nhiều biến động lịch sử và phát triển xã hội, nên nếp sống văn hóa đặc trưng của người Huế ít nhiều phai nhạt, nhiều thói quen xấu đã trở thành phổ biến đến mức đáng hổ thẹn...”.

Phát triển Thừa Thiên Huế thành nơi hội tụ tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùngDọn dẹp không gianThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen Thừa Thiên Huế về phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phụ nữ Huế duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh: Đăng Tuyên

Trong nội dung trả lời báo điện tử Chính phủ ngày 11/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã nhắc đến điều đó, khi nói về “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”. Câu trả lời của ông Chủ tịch UBND đã cho thấy một mảng màu xám của Huế, mà theo ông là người Huế đã nhận ra, vì vậy họ đã hưởng ứng việc dọn rác, trồng cây một cách hào hứng. Họ cần một "cú hích" để thay đổi tình trạng đó.

Qua thời gian cùng với những tác động của đời sống hiện đại, vẻ đẹp nào của Huế đã bị tàn phai, nếp văn hóa đặc trưng nào của Huế đã bị mất đi, thói quen xấu nào của Huế mới hình thành và trở nên phổ biến? Cần một cuộc nghiên cứu công phu mới có thể trả lời đầy đủ câu hỏi này. Nhưng cũng có thể nhìn thấy sự thay đổi đó qua từng ngày sống cùng Huế, mà rõ nhất là qua cách sống của giới trẻ Huế hôm nay.

Đi nhẹ, nói khẽ, chậm rãi, từ tốn - nét đặc trưng đó của tính cách Huế đang phần nào nhạt nhòa trong người Huế những tháng ngày qua, khi một bộ phận người Huế đã trở nên ồn ào, ăn to nói lớn, chạy xe vùn vụt, dẫm đạp tranh giành. Cung cách ăn mặc kín đáo, ăn nói nhẹ nhàng, ăn uống thanh nhã đã bị lấn át bởi kiểu cách hở hang, bộc tuệch, thô thiển. Nếu người Huế trước đây xả một cọng rác ở nơi công cộng cũng ngó trước ngó sau, thì bây giờ đã có không ít người Huế xả rác bừa bãi một cách thản nhiên... Đó phải chăng là những thói xấu mà ông Chủ tịch UBND tỉnh phải gọi là “đáng hổ thẹn”?!

Và đáng tiếc nhất, đó là lối sống sang trọng của người Huế suốt một thời, “trọng giá trị tinh thần hơn là hưởng thụ vật chất, thích sống đẹp hơn là giàu có” mà nhà văn Hoàng Phủ NgọcTường gọi là “tính cách Huế”, đã nhiều phần phai nhạt. Trong khi đó, lối sống thực dụng, vô cảm, hời hợt, trọng tiền bạc, hám vật chất đang càng ngày càng phổ biến. Chỉ nhìn ngôi nhà mới xây của khá nhiều người Huế hôm nay là cảm nhận ngay điều đó. Hàng rào chè tàu bị phá bỏ để xây lên bức tường bê tông như là một thứ của cải văn minh hiện đại. Thay vì ngôi nhà lùi sâu trong khu vườn theo lối nhà vườn Huế thì bây giờ nhiều ngôi nhà cứ thích chường ra mặt tiền. Vườn nhà thì đúc bê tông không còn chỗ để trồng cây. Nhiều khu nhà vườn, phủ đệ đã trở thành phố nhà hộp cao tầng. Bài thơ đô thị đã nhiều chỗ lỗi vần, lạc điệu. Không gian cổ điển thay đổi thì kéo theo nếp sống truyền thống cũng phải đổi thay.

Đó là sự thay đổi tất yếu của đời sống và tất nhiên điều đó diễn ra ở mọi nơi, không chỉ với Huế. Trong sự thay đổi đó, Huế đã tiếp thu được cái mới, cái hay, cái đẹp của thời đại và thế giới, nhưng cũng đồng thời tiếp thu cả những thói xấu.

Là trung tâm của khu vực thì Huế cũng tiếp nhận một bộ phận dân cư các vùng miền, tăng thêm nguồn chất xám, chất xanh nhưng cũng không tránh khỏi những mặt trái đồng hành. Trước đây, Huế là vùng đất gần như sạch với ma túy, nhưng bây giờ thì ma túy đã len vào nhiều khu dân cư. Công an tỉnh liên tục phá các vụ án buôn bán, sử dụng ma túy trong mấy năm qua, mà thủ phạm phần lớn là người từ nơi khác đến.

Vì lẽ đó, những ngày chủ nhật xanh, nói không với rác nhựa, thành phố bốn mùa hoa, thành phố công nghệ sáng tạo... chính là những việc làm để cho Huế xanh sạch đẹp, trí thức trở lại. Ai đã từng sống với Huế một thời thì ắt đã biết thế nào là vẻ đẹp sang trọng, trí thức của Huế và hiểu rằng Huế được quý trọng là vì sao!

Nhiều nét đẹp của Huế đã nhạt phai, trong khi nhiều thói xấu đã trở nên phổ biến. Đó là sự thay đổi vẫn thường xảy ra trong cuộc sống của mọi cá nhân, mọi vùng đất. Nó chỉ bất thường khi chúng ta không nhận ra điều đó và không nỗ lực dọn rác, trồng hoa, đào thải cái cổ hủ, ngăn chặn cái xấu, đón nhận cái mới, để Huế trở lại là xứ sở xanh tươi, bình yên và hạnh phúc, như đã từng.

“Huế phải trở lại vị thế của mình, là vùng đất thu hút nhân tài, hấp dẫn bạn bè trong nước, quốc tế. Khát vọng đó với Huế, tôi nghĩ rằng không phải thứ gì cao xa. Nó nằm trong tay của chúng tôi và người dân”. Câu trả lời của ông Chủ tịch UBND tỉnh trên báo Tri thức trẻ mới đây (ngày 15/6) cho thấy quyết tâm của chính quyền: Làm cho Huế trở lại vị thế của mình.

Làm rõ bản sắc và giá trị Huế, định vị lại Huế, là việc cần làm trên hành trình phát triển mà sự xộc xệch là điều không tránh khỏi. Huế sẽ trở lại là Huế - xứ sở thơ mộng, tươi xanh, bình yên và hạnh phúc. Và đó chính là cách “tối ưu hóa các lợi thế cạnh tranh của Huế” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hôm 10/6 vừa qua.

Minh Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường

Hôm nay là ngày vẻ vang, là ngày Độc lập! 79 năm trước, cả dân tộc ta đã đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh đổ ách xiềng xích của cả đế quốc, thực dân, phong kiến. Từ thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, người dân Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào là con dân một nước tự do, độc lập.

Tiến vào kỷ nguyên mới với tinh thần độc lập, khát vọng tự cường
Giáo dục mũi nhọn & hành trình khát vọng

Từ năm 2019 đến nay, năm nào Thừa Thiên Huế cũng có học sinh đoạt giải quốc tế, tỷ lệ đoạt giải quốc gia khá cao, vị trí xếp hạng giáo dục mũi nhọn luôn nằm ở top đầu toàn quốc.

Giáo dục mũi nhọn  hành trình khát vọng
Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó

Trong mọi hoàn cảnh, cộng đồng Dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận không thể tách rời quốc gia, dân tộc. Song, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tại Thừa Thiên Huế, sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III (năm 2019), các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được đề ra đã trực tiếp quan tâm đến đồng bào DTTS. Vậy, sự chuyển biến đó đến nay như thế nào? Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng.

Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó
Chủ nhật vì cộng đồng

Từ phong trào Ngày Chủ nhật xanh, những hành động đẹp, thiện nguyện đã lan tỏa trong đời sống thường nhật.

Chủ nhật vì cộng đồng
Return to top