Cái đẹp của cây, của nước, của những dải sông cong và những con đường thẳng… Đồng thời, cũng chia sẻ thêm với tôi về những việc cần làm để không gian Huế khoáng đạt hơn. Như bờ sông Hương không bị che chắn và cắt khúc bởi những biển hiệu quảng cáo. Như làm thế nào để những ngọn đồi, dáng núi trong tầm mắt phải xanh hơn và không bị bóc đỏ từng mảng. Làm thế nào để Kinh thành Huế hiện ra trước tầm mắt với tất cả vẻ đẹp và sự thân thiện của kiến trúc…
Trong những điều mà tôi được chia sẻ có cái đã khởi động và sắp đưa vào thực hiện, với một quyết tâm rất cao của tỉnh như dự án Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Dưới mặt đất, những ngày chủ nhật xanh vẫn tiếp tục được thực hiện đã mang lại sự phong quang không chỉ ở nội đô mà còn lan tỏa rộng ra các trung tâm huyện lỵ, làng xóm. Huế đang dần trở nên khác biệt trong việc “reset” lại chính mình, từ những điều tưởng như là vô cùng dễ mà lại chẳng hề đơn giản, bắt đầu từ ý thức để đánh thức nội lực văn hóa ở từng cá thể.
Trên một bình độ cao hơn, về mặt không gian, có thể nhận thấy rằng, Huế chưa phải là vấn đề đáng bàn nếu so với sự bội thực của các biển hiệu quảng cáo dưới mọi hình thức, kể cả pano, áp phích hay rác tường từ sự ngẫu hứng của các nhóm chơi Graffiti đường phố. Nhưng để tiếp tục nói về một sự khác biệt, trước đó là tính quy hoạch, tính thẩm mỹ và văn hóa thì vẫn còn là vấn đề phải tiếp tục được đánh giá, nhìn nhận và thay đổi. Chẳng hạn biển hiệu hai bên sông ở vùng lõi của thành phố cần phải được rà soát về mặt quy hoạch như thế nào về mẫu mã, kích cỡ, vị trí. Ánh sáng trên các đường phố có cần phải diêm dúa và lòe loẹt đến nhức mắt người tham gia giao thông trên đường như vậy không? Liệu có cần lặp lại những mẫu số chung vẫn thường gặp ở các địa phương khác trong cả nước ở phương diện này?
Có một câu hỏi đặt ra là, bên cạnh việc tuân thủ Luật Quảng cáo, tuân thủ Quy chuẩn quốc gia về Xây dựng và Lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018, việc quảng cáo ở các không gian ngoài trời đã được quan tâm ở mức độ nào để vừa đáp ứng mỹ quan, vừa là điểm nhấn đô thị; tạo được hiệu ứng về mặt thị giác cho người dân đô thị. Trong một nghĩa tương quan, còn là tạo hiệu ứng và cảm quan đô thị, cả về không gian sống cũng như sự an toàn trong lưu thông.
Sau văn bản hồi cuối tháng 2/2019 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn bằng văn bản với những yêu cầu cụ thể, tại công văn được ký vào ngày 29/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tạm dừng chủ trương cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời ở các điểm công cộng trên địa bàn. Kèm theo là việc khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành quy định về quản lý cụ thể ở lĩnh vực này.
Như vậy cũng có thể là, sau những “Ngày Chủ nhật xanh” đang được tiếp diễn, đón nhận và vào cuộc một cách hào hứng, việc dọn dẹp không gian ở tầng cao hơn đã được chuẩn bị. Trước hết sẽ là quy hoạch, điều chỉnh lại việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, nhưng cũng có thể hiểu là những loại “rác” ở tầng không gian này sẽ được rà soát và “tính sổ”.
Theo một cách nói thời thượng, thì những người dân Huế, người yêu Huế bắt đầu “đặt gạch” cho hành động này.
KHANG NHIÊN