|
|
Người dân cảm động khi được người đứng đầu Chính Phủ đến tận nhà thăm hỏi. Ảnh: LÊ THỌ |
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường
Cùng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, còn có UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Phía tỉnh có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã báo cáo tóm tắt với đoàn công tác về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh với điểm nhấn là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2022 của tỉnh đạt 5,2%/năm. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%.
Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, tỉnh đã đề xuất liên quan đến 7 nhóm vấn đề. Đáng chú ý là đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thành xây dựng “Đề án thành lập thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế” để trình Quốc hội vào năm 2024; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp chặt chẽ với tỉnh hoàn thiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý II/2023.
Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) đã được khởi công trong năm 2022; bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 49 đảm bảo cho xe trọng tải lớn lưu thông thuận lợi, an toàn cần được quan tâm. Cùng với đó là việc sớm trình Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”…
Định hướng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh nên rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa; tập trung xây dựng tỉnh trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có, phát triển du lịch thông minh… Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực… Trước các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao tỉnh phối hợp với các cơ quan, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện các dự án, đề án, chương trình cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh, đồng tình với đề xuất xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế...
Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, đó là những ý kiến chân thành và quý báu. Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục bám sát và kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan không gian trưng bày dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV. Ảnh: HỮU PHÚC |
Tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy khởi nghiệp
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, Đại học (ĐH) Huế là đơn vị đăng cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn thế hệ trẻ luôn kiên trì, dám dấn thân, đoàn kết, mạnh dạn, sáng tạo để ấp ủ ước mơ và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp; tin tưởng những đam mê, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra nhiều gợi ý, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, nhất là cơ chế khuyến khích, bảo vệ thanh niên, học sinh, sinh viên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ chế hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực, thuế, phí, lệ phí... Có cơ chế để hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay từ cấp học phổ thông; gắn khởi nghiệp trong các trường ĐH, trường nghề với việc giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp để vừa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, vừa thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HSSV…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhắn nhủ đến các HSSV rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đồng hành, khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giúp các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… phát triển nhanh, bền vững và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để mau chóng tiệm cận và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới trong những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, công nghệ nano, ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi thăm hỏi, tặng quà động viên bà con khu tái định cư Hương Sơ (TP. Huế); thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế; thắp hương tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và kiểm tra tiến độ dự án cầu đường ven biển Thuận An.