ClockThứ Sáu, 25/10/2019 20:13
XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030-2045:

Hướng đến thành phố di sản quốc gia

TTH - Ngày 25/10, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì hội thảo có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Bàn giải pháp phát triển đô thị Huế đến năm 2025Tập trung thực thi một quy hoạch có định hướng trọng tâmThảo luận các giải pháp xây dựng thành phố Huế xanh

Cần có một nghị quyết mới hướng đến xây dựng Huế thành đô thị di sản quốc gia. (Trong ảnh: Đô thị Huế nhìn từ trên cao). Ảnh: HOÀNG HẢI

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, bức tranh toàn cảnh của tỉnh tuy có nhiều khởi sắc nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. “Hội thảo lần này là dịp để có những nhận định rõ hơn tình hình phát triển của tỉnh sau 10 năm triển khai Kết luận 48. Từ đó, có những định hướng trong giai đoạn mới”, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các đại biểu đánh giá, phân tích một số bài học kinh nghiệm liên quan đến phát huy giá trị di sản với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản quốc gia.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh cho rằng, để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản cấp quốc gia, cần lập quy định bảo tồn phát huy giá trị di tích; tiến hành kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, mở rộng mô hình xã hội hóa nhằm tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo sản phẩm mới thu hút du lịch, tạo sự gắn kết giữa du lịch và di sản.

GS. TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Huế là Cố Đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc cung đình. Do đó, cần xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công- tư nhằm khai thác giá trị của kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững. 

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

Theo PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, tỉnh cần đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng; trao cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế nội vùng, tổ chức nghiên cứu cơ chế chính sách liên kết vùng để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế.  

Văn hóa là động lực phát triển

Theo đề án đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận 48, mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao...

Kết luận tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên và con người Huế. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản; giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình gợi mở, ngoài phát triển du lịch dựa vào nền tảng văn hóa, di sản văn hóa, con người Huế, việc phát triển các ngành kinh tế khác cũng phải dựa vào nền tảng này, đó là trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp sạch- thân thiện với môi trường, khoa học ứng dụng, xây dựng thành phố thông minh…. Quá trình phát triển phải “lấy ngắn nuôi dài”. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị, cần nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí thành phố di sản để Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố di sản trên cơ sở những kết quả đạt được và được UNESCO công nhận. Mong muốn của tỉnh là Bộ Chính trị ra một nghị quyết, vì quan trọng nhất đi kèm với đó là hệ thống các giải pháp, cơ chế chính sách để trên nền tảng đó có điều kiện huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra. “Ý nghĩa của Nghị quyết mới này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn được đặt ra nhằm thực hiện tốt các mục tiêu. Trung ương cũng phải có đóng góp, hỗ trợ cụ thể để Huế phát triển tương xứng”- ông Bình nói.

Xây dựng điểm đến tầm cỡ thế giới

Đại diện Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới. Theo đó, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ về định hướng phát triển du lịch. Trong đó, xây dựng kế hoạch dự án trùng tu, tôn tạo và phục hồi các di tích văn hóa, lịch sử, ngành nghề, phong tục truyền thống; phát huy nét đặc trưng và bản sắc văn hóa Huế; triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển cơ sở đào tạo về du lịch.  

Du lịch phải là trụ cột 

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đề xuất, vấn đề là làm sao giải bài toán bảo vệ di sản văn hóa nhưng không để dân… nghèo. Có nghĩa là Huế phải giàu lên bên cạnh di sản. Hiện mức thu nhập của người dân Huế vẫn thấp so với bình quân cả nước. Muốn rút ngắn phải tăng trưởng kinh tế, nhưng phải giữ được di sản, phát huy được di sản. Bảo vệ di sản không phải thụ động mà phải biến lĩnh vực này thành lợi thế phát triển kinh tế, bảo vệ di sản quốc gia mà không nơi nào có được.

Ngoài ra, kiến nghị tỉnh nên xác định ngành du lịch là trụ cột phát triển. Tỉnh cần quy hoạch khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo hướng đô thị du lịch là chủ yếu, còn một phần nhỏ làm công nghiệp sạch; cảng Chân Mây phải là trung tâm cảng du lịch quốc tế cùng với cái nhìn trong quan hệ vùng…

Đưa khái niệm “thành phố di sản” vào luật

TS. Đặng Văn Bài, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản Thế giới cho rằng, nên đưa khái niệm “thành phố di sản” (đô thị di sản) vào luật năm 2021 theo lộ trình. Khi đó, sẽ có khái niệm thành phố di sản, chúng ta sẽ dễ dàng đề ra những chính sách ủng hộ cho Huế. Thành phố di sản là một phức hệ sinh thái, không gian sinh tồn cho cộng đồng những người phi nông nghiệp. Thể hiện rõ thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa của cộng đồng ấy với môi trường thiên nhiên. Do đó, cần các yếu tố địa văn hóa; ý tưởng quy hoạch không gian sinh tồn xuyên suốt các thời kỳ và quỹ kiến trúc của đô thị.

THÁI BÌNH - HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Return to top